Hội thảo: Chính sách thích ứng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 31/10/2020

Hội thảo “Chính sách thích ứng biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức tại Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh – Phân hiệu Vĩnh Long, ngày 30/10/2020 với sự tham gia và hỗ trợ của Trung tâm Môi trường cho Phát triển (EfD-Vietnam)

 

Sáng ngày 30/10/2020, tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh – Phân hiệu Vĩnh Long đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề “Chính sách thích ứng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long” với sự tham gia của các nhà lãnh đạo thuộc các sở, ban ngành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà nghiên cứu đến từ các trường Đại học và Viện Nghiên cứu khoa học.

Tham dự Hội thảo gồm hơn 120 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà quản lý và các cơ quan, đơn vị, các cán bộ làm công tác thực tiễn đến từ các trường tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

201030_Adaptation_Climate_Change_Conference

Đây là buổi Hội thảo được tổ chức ở quy mô lớn, được xem là một “diễn đàn” để các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý và các nhà hoạch định chính sách trong khu vực các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long gặp gỡ, trao đổi và trình bày các thành tựu nghiên cứu với mục tiêu chung là tìm hiểu những vấn đề, sự ảnh hưởng đến từ tình trạng Biến đổi khí hậu, từ đó hình thành nên những phương pháp, công cụ chính sách để có thể thích ứng với những ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu mang lại.

Nội dung của Hội thảo nằm trong khuôn khổ hai phần chính:

Phần 1: Tình trạng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long và các vấn đề chính sách.

Thông qua những kết quả thu được từ hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học, mức độ tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đến cả nước nói chung và khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng ngày càng trở nên rõ nét và trầm trọng hơn rất nhiều, chỉ xét riêng khu vực tỉnh Vĩnh Long, 8 tháng đầu năm 2020, hàng chục hecta đất bị mất đi do vấn đề sạt lở đất gây nên thiệt hại hơn 334 tỷ đồng. Những vấn đề môi trường như lũ lụt, vắng lũ, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng cao đã gây nên những tổn thất to lớn đối với tình hình Kinh tế - Xã hội, chất lượng đất và nguồn nước dùng cho mục đích sản xuất nông nghiệp bị suy giảm đáng kể, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề sinh kế của người dân trong khu vực.

Từ những vấn đề khí hậu đang hiện hữu, đã đặt ra rất nhiều vấn đề đối với các nhà thực tiễn, hoạch định chính sách trong việc thiết lập kịch bản giúp ứng phó với tình trạng biến đối khí hậu. Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng “ Kịch bản Biến đổi khí hậu là giả định có cơ sở khoa học và tính tin cậy về sự tiến triển trong tương lai của các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội, phát thải khí nhà kính (KNK), biến đổi khí hậu và mức nước biển dâng”, điều này có nghĩa rằng nội dung của những kịch bản biến đổi khí hậu cần có căn cứ, cơ sở khoa học chính xác để góp phần nâng cao chất lượng kết quả dự báo những vấn đề thiên tai, giảm thiểu những sai sót trong kết quả dự báo.

Phần 2: Kết quả nghiên cứu khoa học về các khía cạnh Kinh tế - Xã hội của vấn đề Biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Khi xem xét chủ đề nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo PGS. TS. Dương Văn Khảm, Trung tâm nghiên cứu khí tượng nông nghiệp – IMHEN, các yếu tố khí hậu có vai trò quan trọng quyết định đến năng suất cây trồng, những yếu tố khí hậu bao gồm là ánh sáng (bức xạ quang hợp, độ dài ngày), nhiệt độ (trung bình, tối cao, tối thấp), ngày bắt đầu và ngày kết thúc các cấp nhiệt độ, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối, tổng nhiệt độ, nguồn nước (chủ yếu xét lượng mưa năm, mưa vụ, tích lũy lượng mưa, ngày bắt đầu, ngày kết thúc mùa ẩm, bốc hơi nước…). Ông cho rằng “Công tác đánh giá tổn thất và thiệt hại đến năng suất cây trồng dưới tác động của biến đổi khí hậu là một trong nhựng mục tiêu quan trọng để có những biện pháp né tránh cũng như những giải pháp ứng phó kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra trong sản xuất nông nghiệp”.

Là khu vực chịu sự ảnh hưởng trực tiếp và rất nặng nề bởi tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn cùng với sự biến động thường xuyên trên thị trường, một trong những chiến lược ứng phó, thích ứng được đề xuất cho Đồng bằng sông Cửu Long chính là hoạt động “Chuyển đổi mô hình canh tác cây trồng và vật nuôi”, với loại hình chuyển đổi đầu tiên được đề xuất là chuyển Mía sang tôm và Lúa-tôm sang tôm chuyên canh. Tuy nhiên, để có thể đạt được tính hiệu quả, cần quan tâm và kiểm soát các khía cạnh quan trọng của chuyển đổi mô hình canh tác:

- Thứ nhất: Vấn đề về môi trường (sử dụng các đầu vào ảnh hưởng xấu đến môi trường:phân, thuốc, nhiên liệu không hiệu quả).

- Thứ hai: Hiệu quả kinh tế không cao do trình độ và sự chuẩn bị về kỹ thuật còn hạn chế và thiếu thông tin về thị trường.

- Thứ ba: Tính dễ bị tổn thương về sinh kế do thay đổi chiến lược canh tác.

Dựa vào kết quả thu được khi tiến hành ứng dụng phương pháp chuyển đổi mô hình canh tác vào thực tế tại hai khu vực: Sóc Trăng và Kiên Giang thuộc dự án nghiên cứu Biến đổi khí hậu vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long: Những khía cạnh Kinh tế, xã hội và môi trường, TS. Võ Hồng Tú - Đại học Cần Thơ đã công bố những kết quả rất khả quan:

- Đối với mô hình chuyển đổi từ mía sang tôm tại Sóc Trăng, lợi nhuận của mô hình nuôi tôm đạt 827.48 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 33.29 lần so với mô hình trồng mía thông thường.

- Đối với mô hình chuyển đổi từ lúa - tôm sang tôm thâm canh tại Kiên Giang, lợi nhuận trung bình của mô hình tôm thâm canh đạt 394 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn gần 12 lần so với mô hình lúa - tôm thông thường.

Như vậy, Đồng bằng sông Cửu Long cần làm gì để ứng phó với Biến đổi khí hậu?

Theo nhận định chung của các nhà nghiên cứu, những ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng biến đổi khí hậu là không thể ngăn chặn và xóa bỏ toàn diện, biện pháp khả thi nhất cho Đồng bằng sông Cửu Long chính là thiết lập kế hoạch Thích nghi, xây dựng các chiến lược sống cùng với những biến đổi của thiên nhiên, biến rủi ro thành cơ hội. Đặc biệt, cần chú trọng và đẩy mạnh đầu tư nguồn lực cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo nên những chủng loại sản phẩm cây trồng, vật nuôi mới có khả năng chống chịu tốt với những điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên đồng thời đảm bảo có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường hiện tại và tương lai.

Từ những kết quả được trình bày và thảo luận, các đại biểu tham dự Hội thảo nhất trí và đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo Khoa học về việc đánh giá và xây dựng phương pháp, công cụ chính sách trong việc đạt được mục tiêu thích ứng với những ảnh hưởng từ vấn đề biến đối khí hậu đến các vùng thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Hội thảo “Chính sách thích ứng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long” sẽ là một trong những hoạt động khoa học hữu ích góp phần giúp các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là những nơi chịu sự ảnh hưởng nặng nề của vấn đề biến đổi khí hậu có được cơ sở, nền tảng khoa học để thiết lập những phương pháp và công cụ giúp kiểm soát, thích ứng đồng thời khắc phục được những thiệt hại, tổn thất do tình trạng biến đổi khí hậu mang lại.


Báo chí:

Báo Vĩnh Long: Chính sách thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL

Báo Nông nghiệp: Thích ứng biến đổi khí hậu, bài toán đặt ra cho các nhà khoa học

Báo Nhân dân: Chính sách ứng phó biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL

Báo Công an Nhân dân: ĐBSCL gặp thách thức lớn do biến đổi khí hậu

Báo Ấp Bắc: Chính sách ứng phó biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL

Báo Một Thế giới: Tương lai vùng ĐBSCL gặp thách thức lớn do biến đổi khí hậu: Ứng phó ra sao?

Bài viết liên quan

The Environment for Development (EfD) Initiative is a capacity building program in environmental economics focusing on research, policy interaction, and academic programs.

028.3844.8249 0834.337732 admin@EfD.vn 028.3847.7948

1A Hoàng Diệu, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TPHCM

Copyright (c) 2018 Environment for Devlopment in Vietnam

Designed by Sweetsoft