Ngày 14/06/2019
Trao đổi của VACNE với TS Phạm Khánh Nam, Khoa Kinh tế – Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, trước thềm Hội nghị Liên Hợp quốc về Phát triển Bền vững (Rio+20) diễn ra ở Brazil từ 20 – 22/6/2012.
- Sau hơn 25 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhưng mặt trái là môi trường ngày càng tệ hơn?
Đúng là chúng ta quan sát được tăng trưởng kinh tế ở Việt nam sau đổi mới đi kèm với suy thoái môi trường và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Người bình thường cũng có thể thấy không khí ô nhiễm nhiều hơn, ra đường nhiều khói bụi hơn, sông rạch đen hơn, ít cây rừng hơn. Tuy nhiên hiện tượng này không phải lúc nào cũng diễn ra đúng như vậy.
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy khi thu nhập của một quốc gia đạt đến một mức độ nhất định, có sự chuyển hướng về môi trường, chẳng hạn tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ giảm, đa dạng sinh học được cải thiện. Thu nhập của quốc gia tăng cao thường đi kèm với trình độ công nghệ tiên tiến hơn, nền kinh tế dịch chuyển cơ cấu theo hướng bớt phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên; đời sống của tầng lớp người nghèo được cải thiện, làm giảm áp lực khai thác tài nguyên để duy trì sinh kế.
- Thu nhập của người dân ngày càng tăng nhưng cũng chính họ lại phải sống trong tình trạng môi trường vẫn ngày càng suy giảm?
Thu nhập của người dân tăng cũng góp phần thay đổi nhu cầu của họ về chất lượng môi trường, họ muốn sử dụng hàng hóa sạch hơn, muốn hít thở không khí trong lành hơn, dùng nước sạch hơn và sống trong môi trường thân thiện với thiên nhiên hơn. Chính áp lực nhu cầu cao hơn về môi trường này tạo ra sự thay đổi trong chất lượng môi trường khi thu nhập cao hơn.
Tôi không muốn nói là chúng ta chỉ cần đợi đến khi thu nhập cao hơn thì tất yếu chất lượng môi trường sẽ được cải thiện. Nếu chúng ta không hành động, suy thoái môi trường quá mức sẽ trở thành lực cản cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, và suy thoái môi trường có thể đi đến điểm không thể đảo ngược, nghĩa là không thể phục hồi chức năng môi trường dù có đầu tư chi phí rất lớn.
Vẫn có quan niệm sai lầm từ trước đến nay cho rằng luôn có sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và chất lượng môi trường. Muốn giàu thì phải hy sinh môi trường. Tuy nhiên, báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) chuẩn bị cho hội nghị Rio+20 trong tháng 6/2012 cho rằng quan niệm này chỉ là một “huyền thoại”. Tăng trưởng kinh tế và chất lượng môi trường có thể song hành nếu các quốc gia biết chuyển hướng đầu tư và cải tiến công nghệ theo hướng kinh tế xanh.
- Phải chăng chính sự ích kỷ của nhóm người nào đó đã xóa nhòa những nỗ lực bảo vệ môi trường của cộng đồng?
Không thể mong đợi doanh nghiệp ngừng tìm kiếm lợi nhuận, xã hội ngừng tiêu dùng để không phát thải, không sử dụng tài nguyên để bảo vệ môi trường. Các nhà khoa học đang nghiên cứu cơ chế nào khuyến khích thúc đẩy người ta hợp tác với nhau nhiều hơn để bảo vệ môi trường, làm thể nào mỗi người nhịn một chút, hy sinh một chút để lợi ích toàn cục và lâu dài là lớn nhất. Trao đổi thảo luận, thưởng phạt hợp lý, thông tin, sự tin tưởng, sự lãnh đạo đều có thể có ảnh hưởng đến sự hợp tác bảo vệ môi trường. Một khi người tiêu dùng và cả xã hội bớt vị kỷ hơn, coi trọng yếu tố môi trường khi ra quyết định tiêu dùng, các doanh nghiệp buộc phải đáp ứng nhu cầu đó, tự điều chỉnh hành vi phát thải của mình.
- Nền kinh tế xanh mang lại phúc lợi xã hội, việc làm, và công bằng xã hội. Vậy cộng đồng đóng góp cho phát triển kinh tế bền vững theo khía cạnh nào?
Tôi cho rằng cộng đồng có thể đóng góp cho nền kinh tế xanh và phát triển bền vững thông qua tiêu dùng bền vững. Người dân, bằng cách thay đổi hành vi tiêu dùng của mình, có thể đóng góp cực kỳ to lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên. Chẳng hạn trong sinh hoạt hàng ngày, nếu người dân giảm tiêu dùng các loại thịt đỏ, thay thể bằng thức ăn có nguồn gốc từ thực vật, tiết kiệm điện, sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì dùng xe cá nhân thì sẽ góp phần to lớn trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây ấm nóng toàn cầu.
Tất nhiên, thay đổi hành vi theo hướng tiêu dùng xanh cần rất nhiều động lực thúc đẩy: thái độ đối với hàng hóa xanh, thu nhập, trình độ học vấn, hay thậm chí quan niệm của xã hội. Nói như Elino Ostrom (Nobel Kinh Tế 2009) trong bài viết cuối cùng “Xanh từ cơ sở” vào ngày bà mất 12/06/2012, để có được nền kinh tế xanh, phải đưa khái niệm bền vững vào trong cấu trúc phân tử ADN của xã hội.
- Mô hình phát triển và cơ cấu ngành nghề nào phù hợp với nền kinh tế xanh trong điều kiện phát triển của Việt Nam?
Để có thể nói mô hình phát triển và cơ cấu ngành nghề nào phù hợp với nền kinh tế xanh trong điều kiện phát triển của Việt Nam, cần phải có nghiên cứu đưa ra bằng chứng khoa học. Hướng phát triển chung theo khung nền kinh tế xanh là chuyển dịch nền kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng, đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo, hạch toán giá trị môi trường và hệ sinh thái vào quyết định đầu tư và tiêu dùng.
TS. Phạm Khánh Nam, Phó Trưởng khoa Kinh tế (UEH)
Viện trưởng Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA)
Giám đốc Trung tâm Môi trường cho Phát triển (EfD-Vietnam)
- Việt Nam sẽ phải hòa mình như thế nào vào xu hướng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường khi mà chủ đề “Kinh tế xanh: Có vai trò của bạn” được Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc đưa ra tại Hội nghị Liên Hợp quốc về Phát triển Bền vững ở Brazil trong tháng 6/2012?
Khái niệm kinh tế xanh tại hội nghị Rio+20 tại Brazil là bước nhảy tiếp theo sau khái niệm phát triển bền vững tại hội nghị Rio năm 1992. Các nhà chính trị và khoa học cần một khái niệm mới, kinh tế xanh, làm nền tảng cho các chính sách, các thương lượng và hiệp định quốc tế. Chúng ta thấy rõ định hướng này trong định nghĩa ngắn gọn của nền kinh tế xanh, là nền kinh tế có mức carbon thấp.
Việt Nam sẽ tham gia hội nghị Liện Hợp Quốc về Phát triển bền vững Rio+20 trong bối cảnh trên. Nhiều ý kiến ủng hộ việc Việt Nam sử dụng khung phát triển kinh tế xanh. Tuy nhiên tôi lại có góc nhìn tương đối khác về vấn đề này. Về căn bản, kinh tế xanh là giảm phát thải carbon (khí gây hiệu ứng nhà kính), sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm suy thoái chức năng hệ sinh thái. Các mục tiêu này phục vụ cho mục tiêu tổng quát là giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Tôi cho rằng để đáp ứng nhu cầu hội nhập và đạt được sự đồng thuận quốc tế, Việt Nam vẫn có thể tham gia xu thế phát triển bền vững theo khung phát triển nền kinh tế xanh. Tuy nhiên sự thận trọng là rất cần thiết. Chuyển toàn bộ nền kinh tế hiện thời sang nền kinh tế xanh cần một nguồn lực cực kỳ to lớn, trong khi nguồn lực đó có thể được dùng để giải quyết các vấn đề thiết thân hơn với các tầng lớp dân cư như nước sạch cho sinh hoạt, cải thiện điều kiện vệ sinh và môi trường sống, giảm ô nhiễm nước ở các dòng sông, hay bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản.
- Ông nghĩ sao về trào lưu “kinh tế xanh” hay nói cách khác “phát triển kinh tế xanh” được Chính phủ đặc việt quan tâm trong những năm gần đây.
Hiện nay đi đâu, qua tỉnh thành nào tôi cũng thấy biểu ngữ cổ động kinh tế xanh. Tôi nghĩ các tỉnh thành vận động cổ vũ nền kinh tế xanh là thể hiện sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với hội nghị Rio+20. Tuy nhiên, việc quan trọng cần làm là Chính phủ phải nghiên cứu thật kỹ càng và khoa học về khung phát triển theo hướng nền kinh tế xanh phù hợp với Việt Nam.
- Cám ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này.
Nguồn: Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Vietnam Association for Conservation of Nature and Environment - VACNE) và Di sản xanh
Bài viết liên quan |