Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi)

Ngày 13/11/2019

Sáng ngày 10 tháng 11 năm 2019, Trung tâm Môi trường cho Phát triển (EfD-Vietnam), Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cùng với Viện Chiến lược & Chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp tổ chức buổi thảo luận góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi).

 

Luật bảo vệ môi trường của Việt Nam ra đời từ năm 1994, sửa đổi 2 lần qua các năm 2005 và 2014. Trong một thế giới phát triển nhanh và có nhiều sự thay đổi đòi hỏi Luật và các văn bản dưới luật cần phải cập nhật liên tục, giải quyết những vấn đề hạn chế trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như sự thiếu thống nhất giữa Luật Bảo vệ môi trường và các luật khác có liên quan.

Nhằm chuẩn bị trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mới về bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường thông qua nhiều kênh khác nhau; trong đó, chú trọng kênh tham vấn các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các chuyên gia về kinh tế môi trường, những người đã và đang sử dụng các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên và môi trường một cách bền vững.

Sáng ngày 10/11/2019, Trung tâm Môi trường cho Phát triển (EfD-Vietnam) - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) cùng với Viện Chiến lược & Chính sách - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp tổ chức buổi thảo luận góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

TS. Phạm Khánh Nam, Giám đốc Trung tâm Môi trường cho Phát triển (EfD-Vietnam) giới thiệu nội dung và mục đích của buổi thảo luận

Tham dự góp ý cho dự thảo có PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược & Chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường; GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng UEH; TS. Phạm Khánh Nam - Phó Trưởng khoa Kinh tế, Giám đốc Trung tâm Môi trường cho Phát triển, cùng với các giảng viên, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và tư vấn chính sách liên quan đến Luật và kinh tế môi trường.

PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổng quan về quá trình tổ chức công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường

Buổi thảo luận tập trung và làm rõ các nội dung chuyên sâu thuộc chương mới được bổ sung trong Luật Bảo vệ môi trường “Chương XII: Công cụ kinh tế, cơ chế chính sách và nguồn lực cho bảo vệ môi trường”.

Sau phần chia sẻ của đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường về quá trình biên soạn và dự thảo cấu trúc văn bản, nội dung sửa đổi cũng như so sánh sự thay đổi trong Luật Bảo vệ môi trường, các nhà nghiên cứu luật và kinh tế môi trường, các nhà tư vấn chính sách đã trình bày, chia sẻ và thảo luận các ý kiến góp ý cho dự thảo.

EfD-Vietnam

Các ý kiến góp ý được tổng hợp từ các công trình nghiên cứu đã được công bố, từ kinh nghiệm thực tế khi đi thực nghiệm và khảo sát, tiếp xúc với các chủ thể nghiên cứu như: người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, các nhà thực thi chính sách nhằm mục tiêu khắc phục những thất bại của thị trường, đòi hỏi cần có sự can thiệp của Chính phủ để cải thiện hiệu quả.

Bên cạnh các nguyên lý và nguyên tắc cơ bản của chính sách môi trường được vận dụng trong Luật môi trường của các nước phát triển và đang phát triển, các loại công cụ quản lý môi trường được đưa ra thảo luận chi tiết, bao gồm: (i) Công cụ dựa vào quy định (Các tiêu chuẩn công nghệ và tiêu chuẩn hoạt động); (ii) Các công cụ dựa vào thị trường (Thuế, phí, lệ phí, trợ cấp, ký quỹ - hoàn trả, mua bán giấy phép); (iii) Các công cụ dựa vào thông tin (Thỏa thuận tự nguyện, cung cấp thông tin, giáo dục); và (iv) Các công cụ khác (như Nghiên cứu & phát triển, cú hích hành vi, trách nhiệm pháp lý). Trong đó, nội dung công cụ dựa trên tiếp cận thị trường (Market-Based Approaches, MBA) được thảo luận sâu và kỹ lưỡng kể cả những công cụ thuế, phi thuế và quyền sở hữu cho thị trường trao đổi giấy phép phát thải và tín chỉ giảm phát thải.

Buổi thảo luận đã có những đánh giá chung về nội dung Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, và góp ý Luật nên có phần nội dung về mục đích, định hướng chính sách, các nguyên tắc cơ bản, cũng như các mục tiêu cụ thể để từ đó xây dựng các điều luật xoay quanh các mục tiêu này. Về tên gọi đề xuất nên tham khảo theo luật của nhiều nước phát triển trên thế giới hiện nay là “Luật môi trường”. Trong mỗi chương liên quan đến từng vấn đề môi trường cụ thể, bên cạnh các công cụ hành chính mệnh lệnh và kiểm soát, cần tích hợp các công cụ kinh tế thích hợp, làm rõ giữa sự khác biệt giữa "thuế môi trường” và “phí môi trường” cũng như phân công nhiệm vụ của các cơ quan quản lý có liên quan.

Các nội dung khác để bổ sung cho văn bản dưới luật cũng đã được trình bày tại buổi thảo luận như bảo hiểm, nhãn sinh thái và mua sắm công, và cơ chế đền bù sinh thái.

GS. TS. Nguyễn Trọng Hoài chia sẻ quá trình hình thành và phát triển các nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế môi trường ở Việt Nam, đóng góp cho công tác tư vấn chính sách

Kết thúc buổi thảo luận, thay mặt cho Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường và tổ công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các nhà nghiên cứu và tư vấn chính sách đã chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp những ý kiến xác đáng và có luận cứ khoa học để giúp sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ Môi trường một cách hoàn chỉnh hơn, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong lĩnh vực khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường một cách hiệu quả, bền vững.

GS. TS. Nguyễn Trọng Hoài đại diện các nhà nghiên cứu và tư vấn chính sách trao tặng các ấn phẩm nghiên cứu tổng hợp liên quan đến chiến lược tăng trưởng xanh cũng như sử dụng công cụ kinh tế để quản lý tài nguyên và môi trường ở Việt Nam.

Đai diện cho các nhà nghiên cứu và tư vấn chính sách, GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài gửi lời cảm ơn đến Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tin tưởng và đặt hàng cho cho các khoa học thực hiện các đề tài nghiên cứu phục vụ chính sách trong nhiều năm qua. Nhóm nghiên cứu cũng đã trao tặng các ấn phẩm nghiên cứu tổng hợp liên quan đến chiến lược tăng trưởng xanh cũng như sử dụng công cụ kinh tế để quản lý tài nguyên và môi trường ở Việt Nam.

EfD-Vietnam chụp hình lưu niệm


Mục đích bổ sung Chương XII trong Luật Bảo vệ Môi trường là để làm rõ, bổ sung các nội dung chi cho bảo vệ môi trường theo các nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Bên cạnh các nội dung, căn cứ được quy định rõ hơn để tính mức phí bảo vệ môi trường, thuế bảo vệ môi trường được bổ sung nhằm khuyến khích giảm việc sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường; hướng đến mục đích bảo vệ môi trường.

Dự thảo đã bổ sung điều khoản quy định việc ký quỹ đối với hoạt động có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm tồn lưu cũng như điều khoản quy định trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc thu hồi, xử lý sản phẩm sau khi sử dụng.

Môt điểm nhấn khác trong dự thảo là bổ sung điều một khoản nhằm làm cơ sở thiết lập thị trường trao đổi hạn ngạch xả chất ô nhiễm, khí nhà kính giữa các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, nội dung của điều khoản “Quỹ bảo vệ môi trường” được sửa đổi để phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Một số nội dung khác được bổ sung bao gồm các hoạt động được ưu đãi, hỗ trợ và nội dung về đào tạo cán bộ kỹ thuật và quản lý môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường.

Bài viết liên quan

The Environment for Development (EfD) Initiative is a capacity building program in environmental economics focusing on research, policy interaction, and academic programs.

028.3844.8249 0834.337732 admin@EfD.vn 028.3847.7948

1A Hoàng Diệu, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TPHCM

Copyright (c) 2018 Environment for Devlopment in Vietnam

Designed by Sweetsoft