Hội thảo tham vấn “Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam”

Ngày 08/12/2021

Chiều ngày 6 tháng 12 năm 2021, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã phối hợp cùng Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), Đại học UEH và Trung tâm Môi trường cho Phát triển Việt Nam (EfD-Vietnam) tổ chức cuộc hội thảo trực tuyến góp ý cho Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (Vietnam Country Climate and Development Report - CCDR).

 

Đây là báo cáo phân tích chuyên sâu đang được Ngân hàng Thế giới chuẩn bị nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển trong bối cảnh giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời xác định những thời cơ thúc đẩy các hoạt động môi trường từ cả khu vực tư nhân và nhà nước.

CCDR_1

Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực khí hậu và kinh tế môi trường hiện đang làm việc tại các cơ quan chuyên trách như Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (INHEN), Viện Chiến lược, Chính sách Bộ Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP), Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (SIWRR) và các trường đại học trong và ngoài nước như Đại học UEH, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nha Trang, Đại học Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Quốc gia Úc, Đại học Công nghệ Queensland và các thành viên nghiên cứu của EfD-Vietnam.

CCDR_9

Trong báo cáo này, nhóm chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng Việt Nam, tuy đã gặt hái nhiều thành công về tăng trưởng kinh tế trong hơn ba thập kỷ vừa qua, đang phải đối đầu với nhiều vấn đề về môi trường. Dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng phát thải toàn cầu, tốc độ tăng phát thải ở Việt Nam là khá cao (9.8%/năm trong giai đoạn 1990-2018). Với sự tập trung của dân cư và hoạt động kinh tế dọc theo đường bờ biển, dự báo tổn thất hàng năm do thiên tai ở Việt Nam có thể đạt đến 0.8% GDP.

CCDR_2

Trong những năm gần đây, chính phủ Việt Nam đã có những động thái mạnh mẽ đối với vấn đề môi trường. Điều này được thể hiện qua các cam kết quốc tế như việc đặt mục tiêu giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường bằng nguồn lực trong nước khi tham gia Thoả thuận Paris, hoặc mới đây là cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 ở Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26). Các cam kết này đã được phần nào hiện thực hoá bằng những chiến lược và chính sách cụ thể như Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (2020), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (2021) và Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi, có hiêu lực từ 01/01/2022).

CCDR_3

Trong báo cáo này, nhóm chuyên gia Ngân hàng thế giới đã xây dựng những kịch bản giảm phát thải trong các ngành năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp và thương mại. Những kịch bản tích cực nhất dự báo sẽ giúp giảm phát thải lần lượt 80% và 20% trong các ngành năng lượng và giao thông vận tải với việc cắt giảm sử dụng năng lượng than, chuyển dần sang sử dụng khí tự nhiên, tăng cường sử dụng xe điện và phương tiện giao thông công cộng. Từ kết quả của mô hình cân bằng tổng thể (CGE), chiến lược giảm nhẹ tác động biến đổi khi hậu ở Việt Nam nên là sự kết hợp giữa chính sách giảm phát thải các ngành năng lượng, giao thông và nông nghiệp cùng một mức thuế carbon hợp lý, trong đó phương án thuế carbon có hiệu quả cao hơn cả trong cả việc giảm phát thải lẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

CCDR_4

Một điểm tích cực từ kết quả mô hình cân bằng tổng thể là sự kết hợp của các chính sách giảm phát thải ngành cùng một mức thuế carbon sẽ có tác động tích cực trong việc giảm nghèo và tăng cường bình đẳng xã hội. Bên cạnh đó, các chiến lược này được kỳ vọng sẽ tạo một lượng lớn việc làm mới, kỳ vọng đạt mức 2-5 triệu việc làm đến 2030 và 10-15 triệu đến 2040.

CCDR_5

Về phía khu vực công, các chính sách tài chính nhằm tăng cường thiết lập cơ chế định giá carbon và tiêu dùng công xanh được nhóm chuyên gia nhấn mạnh. Bên cạnh đó, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) cần được điều chỉnh mạnh mẽ theo hướng phù hợp với các mục tiêu khí hậu quốc gia. Khu vực tư nhân và hệ thống tài chính cần nhận được nhiều sự trợ giúp để thúc đẩy tài chính và đầu tư xanh. Các doanh nghiệp tư nhân hiện đang gặp nhiều trở ngại trong việc xanh hoá hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh trước ưu thế của các doanh nghiệp nhà nước, sự thiếu hụt các nguồn tài trợ và hệ thống quản lý phức tạp.

CCDR_6

Báo cáo tổng kết 6 ưu tiên quan trọng để Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng bền vững bao gồm: (i) tăng cường khả năng phục hồi; (ii) giảm phát thải; (iii) tập trung vào vốn con người; (iv) điều chỉnh các cơ chế tài chính; (v) tháo gỡ các ràng buộc và thúc đẩy hoạt động của khu vực tư nhân và (vi) hoàn thiện thể chế và cơ chế thúc đẩy hành vi môi trường.

CCDR_7

Trong phần thảo luận, báo cáo cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ những người tham dự, đặc biệt liên quan tới các vấn đề chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy khu vực tư nhân và cơ chế cho khu vực trọng điểm Đồng Bằng sông Cửu Long. Đây là nguồn phản hồi quan trọng để nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới cải thiện chất lượng Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam trước khi sử dụng công cụ này trong các thảo luận chính thức với chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền.

 CCDR_8

Nguyễn Quang

Bài viết liên quan

The Environment for Development (EfD) Initiative is a capacity building program in environmental economics focusing on research, policy interaction, and academic programs.

028.3844.8249 0834.337732 admin@EfD.vn 028.3847.7948

1A Hoàng Diệu, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TPHCM

Copyright (c) 2018 Environment for Devlopment in Vietnam

Designed by Sweetsoft