Người dân sẵn lòng đóng góp bao nhiêu cho 2 liều vaccine ngừa COVID-19?

Ngày 22/05/2021

Khảo sát nhu cầu vaccine cho thấy 76% người dân TPHCM sẵn lòng trả gần 700.000 đồng cho 2 liều vaccine phòng Covid-19. Nếu Chính phủ có kế hoạch triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả và chiến dịch truyền thông phù hợp, người dân sẵn lòng trả tiền để tiêm vaccine, ngừa bệnh cho chính mình và giúp cộng đồng chặn sự lây lan của dịch bệnh.

 

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ phê duyệt thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19, với mục tiêu mua 150 triệu liều vaccine tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người. Ước tính tổng kinh phí là khoảng 25.200 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương dự kiến đóng góp khoảng 16.000 tỉ đồng, còn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa khoảng 9.200 tỉ đồng.

Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, nhu cầu vaccine khi ấy không chỉ dừng lại ở một năm. Nguồn tài chính cho quỹ vì thế cần phải đa dạng, đặc biệt là trong bối cảnh ngân sách nhà nước chịu nhiều áp lực. Một nghiên cứu1 thực hiện mới đây của nhóm nghiên cứu từ Khoa Kinh tế và Chương trình Việt Nam - Hà Lan, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho thấy việc thành lập quỹ vaccine là khả thi khi có sự tham gia của người dân.

Cụ thể, khảo sát nhu cầu vaccine của nhóm nghiên cứu cho thấy 76% người dân TPHCM sẵn lòng trả gần 700.000 đồng cho 2 liều vaccine phòng Covid-19.

Chưa có nghiên cứu nào về mức độ sẵn lòng trả của người dân cả nước, nhưng có thể ước tính sơ bộ rằng tổng mức sẵn lòng trả của người dân trên cả nước để được có vaccine đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 sẽ vào khoảng 27.700 tỉ đồng.

Trong đó có hai giả định quan trọng trong ước tính này, đó là tỷ lệ 76% của người dân TPHCM cũng là mức bình quân của cả nước. Đồng thời, mức sẵn lòng chi trả của mỗi người dân cả nước sẽ bằng một nửa so với TPHCM, tức 350.000 đồng cho hai liều vaccine (tương ứng với bình quân thu nhập ở TPHCM cao hơn gấp đôi so với bình quân cả nước theo thống kê).

Cho đến nay, các giải pháp như giãn cách xã hội, cách ly xã hội hoặc phong tỏa có thể làm chậm quá trình bùng phát dịch Covid 19, nhưng đều không phải là giải pháp dài hạn để chiến thắng dịch bệnh và phục hồi kinh tế, đặc biệt là khi các quốc gia không thể đứng một mình trong bối cảnh toàn cầu hóa. Những lo ngại khi mở cửa nền kinh tế sẽ không bao giờ chấm dứt khi chúng ta còn lo ngại về tính lây lan của dịch bệnh.

Vaccine phòng ngừa do đó có thể là giải pháp duy nhất hiệu quả trong dài hạn, khi giúp cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại virus. Người được tiêm vaccine ít có khả năng bị nhiễm virus hơn. Và nếu có nhiều người tiêm vaccine thì dịch bệnh có thể được kiềm chế trên diện rộng toàn xã hội. Đến thời điểm hiện tại, gần 60% người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm một hoặc hai mũi vaccine. Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố chiến thắng Covid-19, các hoạt động thường ngày đang dần trở lại với nước Mỹ.

Khi vaccine được đưa vào thị trường, các quốc gia đặt mục tiêu càng nhiều người dân được tiêm chủng ngừa càng tốt, để đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua vaccine. Vì đặc tính “hàng hóa bán công” của vaccine ngừa Covid-19 (người sử dụng vaccine không những phòng ngừa bệnh cho chính mình mà còn giúp cộng đồng chặn sự lây lan của dịch bệnh), chính phủ về nguyên tắc có thể tài trợ một phần hoặc toàn phần cho chính sách tiêm chủng vaccine trên diện rộng.

Tuy nhiên, ngân sách những quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì khó có thể tài trợ toàn phần cho chính sách tiêm chủng bao phủ cả nước, đặc biệt là trong bối cảnh ngân sách đang chịu áp lực lớn vì đại dịch. Lúc này, khoản chi trả từ người dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của chính sách miễn dịch cộng đồng qua vaccine.

Nghiên cứu cũng cho thấy nhiều đặc điểm khác đáng chú ý. Đó là người dân sẵn lòng chi trả cho vaccine nhưng lại không quan tâm nhiều đến hiệu lực và thời gian tác dụng của vaccine. Số tiền sẵn lòng trả cho vaccine có hiệu lực 50% không khác nhiều với số tiền trả cho vaccine hiệu lực 80%.

Người dân cũng không “phân biệt giá” giữa loại vaccine có hiệu lực 1 năm hay 3 năm. Người dân chỉ quan tâm đến việc có vaccine hay không, và mức giá có phù hợp thu nhập hay không. Nhận thức rủi ro nhiễm bệnh cũng ảnh hưởng đến giá sẵn lòng trả cho vaccine. Nếu người dân cảm thấy hoạt động bản thân hoặc môi trường sống dễ dẫn đến khả năng nhiễm Covid-19, khả năng sẵn lòng tiêm vaccine cũng sẽ cao hơn.

Kết quả nghiên cứu trên là những gợi ý cho thấy tính khả thi của đề án huy động quỹ vaccine cho quốc gia với số tiền sẵn lòng chi trả, nhưng làm thế nào để người dân tự nguyện đóng góp nhanh và nhiều thì sẽ là một câu chuyện khác. Tính khả thi và duy trì của quỹ vaccine sẽ cao hơn nếu chính phủ có chiến dịch truyền thông phù hợp và kế hoạch triển khai tiêm vaccine Covid-19 hiệu quả.

 -------------

Nghiên cứu “Nhu cầu vaccine Covid-19 của cá nhân và hộ gia đình Việt Nam” được thực hiện bởi nhóm tác giả thuộc Khoa Kinh tế và Chương trình Việt Nam - Hà Lan, Đại học Kinh tế TPHCM, bao gồm: Trương Đăng Thụy, Phạm Khánh Nam, Phạm Như Mẫn, Lê Thành Nhân.

https://www.thesaigontimes.vn/316518/-quy-vaccine-se-kha-thi-khi-co-nguoi-dan-dong-gop.html

Bài viết liên quan

The Environment for Development (EfD) Initiative is a capacity building program in environmental economics focusing on research, policy interaction, and academic programs.

028.3844.8249 0834.337732 admin@EfD.vn 028.3847.7948

1A Hoàng Diệu, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TPHCM

Copyright (c) 2018 Environment for Devlopment in Vietnam

Designed by Sweetsoft