Ngày 30/09/2022
Các tác động của việc gia tăng dân số người già đến hệ thống y tế vẫn còn là một đề tài nghiên cứu triển vọng, nhất là khi các nghiên cứu trước đó hầu như tập trung vào các nước có thu nhập cao. Ở các nước đang phát triển, hiểu biết về già hoá dân số vẫn còn hạn chế.
Một nghiên cứu của tác giả Đặng Đình Thắng vào năm 2021 đã xem xét các tác động của việc nghỉ hưu đối với hành vi sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, lấy bối cảnh ở Việt Nam như một ví dụ điển hình của một nước đang phát triển. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra những tác động đáng kể đến hành vi sử dụng dịch vụ y tế ngoại trú trong khu vực công của ngành. Cụ thể, nghỉ hưu làm tăng khả năng một người đi khám bệnh ngoại trú lên 51,3 điểm phần trăm đối với nam và 36,1 điểm phần trăm đối với nữ. Nghỉ hưu cũng làm tăng tần suất khám bệnh ngoại trú lên 1,4 lần đối với nam và 2 lần đối với nữ. Nghiên cứu không tìm thấy ảnh hưởng nào đối với các dịch vụ nội trú hoặc trong khu vực y tế tư nhân.
Già hoá dân số là một trong những thay đổi xã hội đáng quan tâm trong thời gian gần đây. Tỉ lệ người cao tuổi chiếm 13% trên tổng dân số thế giới vào năm 2017 và được dự đoán sẽ tăng lên 22% vào năm 2050, tương đương số dân 2,1 tỉ người. Già hoá dân số dẫn đến nhiều tác động đến sức khoẻ người dân, phúc lợi xã hội, thu nhập cá nhân, và nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khác. Một vấn đề nghiên cứu được nhiều nhà nghiên cứu và người làm chính sách quan tâm là các tác động của việc gia tăng dân số về hưu đối với các hệ thống y tế. Chủ đề này đặc biệt liên quan đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi đang diễn ra tình trạng già hoá dân số nhanh chóng trong khi hệ thống y tế chưa đủ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận dân số ngày càng đông. Vì vậy, việc hiểu rõ mối liên hệ giữa nghỉ hưu và hành vi sử dụng dịch vụ y tế giúp thiết kế tốt hơn hệ thống chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi cho nhiều quốc gia.
Nghỉ hưu có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng các dịch vụ y tế theo nhiều cách. Một mặt, xác suất và tần suất đi thăm khám tăng lên do quá trình lão hóa có tác động tiêu cực đến trạng thái thể chất và tinh thần của người nghỉ hưu, dẫn đến việc họ có xu hướng chọn sử dụng dịch vụ y tế nhiều hơn. Ngoài ra, những người đã nghỉ hưu có nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân và đi khám sức khoẻ, do họ không còn làm việc nhiều so với thời kỳ trước khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, nghỉ hưu cũng có thể làm giảm hành vi thăm khám bệnh trong trường hợp chi phí dịch vụ y tế quá cao, do những người về hưu có thu nhập ít hơn trước. Một lý do khác là những người đã nghỉ hưu có thể có nhiều thời gian hơn để chăm sóc sức khỏe của họ, do đó sống lành mạnh hơn so với thời gian còn tham gia lao động, từ đó dẫn đến ít bệnh tật.
Việt Nam có bối cảnh phù hợp để nghiên cứu ảnh hưởng của nghỉ hưu đối với việc sử dụng dịch vụ y tế. Tình trạng già hóa dân số diễn ra nhanh chóng trong vài thập kỷ qua, dân số từ 60 tuổi trở lên chỉ chiếm 7% vào năm 2016, nhưng con số này được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2040. Vì vậy, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, tạo ra nhiều thách thức trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng người cao tuổi. Bên cạnh đó, già hóa ở Việt Nam chủ yếu xảy ra ở các nhóm dễ bị tổn thương, do đó nhóm này có khả năng trở thành người cao tuổi trước khi đạt được mức thu nhập và mức sống cao hơn. Ngoài ra, các vụ lạm dụng hoặc ngược đãi người cao tuổi gần đây cũng cho thấy đây là nhóm dễ bị tổn thương do phải phụ thuộc người chăm sóc và có thu nhập thấp do không còn lao động. Như vậy, già hóa dân số đặt ra thách thức to lớn đối với các nhà hoạch định chính sách chăm sóc cho người cao tuổi, là nhóm người có các yêu cầu chăm sóc sức khỏe rất riêng biệt.
Hệ thống y tế ở Việt Nam được tổ chức thành hai khu vực nhà nước và tư nhân, có thể cùng cung cấp các dịch vụ y tế cho bệnh nhân. Khu vực y tế công đảm nhận phần lớn việc cung cấp dịch vụ y tế trong nước, được chính phủ trợ giá, phục vụ cho mọi người dân, đặc biệt là những người nghèo không có khả năng chăm sóc sức khỏe ở các cơ sở tư nhân. Khu vực công gồm 4 cấp: bệnh viện trung ương, cơ sở khám chữa bệnh ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện - xã. Trong khi đó, khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng tốt hơn nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng khối lượng dịch vụ y tế ở Việt Nam do có chi phí cao hơn, nhưng khu vực này dần trở thành một kênh khám chữa bệnh quan trọng tương đương khu vực công.
Bài nghiên cứu của tác giả Đặng Đình Thắng đã xem xét cả khu vực nhà nước và tư nhân trong ngành y tế ở Việt Nam, vì cả hai đều là kênh cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe quan trọng như nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ lấy mẫu ở các khu vực thành thị là những nơi phần lớn lao động nghỉ hưu theo tuổi quy định của nhà nước. Ở nông thôn, người dân thường là lao động nông nghiệp, khái niệm nghỉ hưu không phổ biến. Dữ liệu cho nghiên cứu được lấy từ Bộ dữ liệu Điều tra mức sống hộ gia đình đợt 2010, 2012 và 2014. Mẫu khảo sát đã bao gồm 1.329 nam giới trong độ tuổi 55-64 và 2.019 nữ giới trong độ tuổi 50-59, tức là lấy khoảng tuổi dao động trên dưới 5 năm so với tuổi nghỉ hưu theo luật (60 tuổi đối với nam giới và 55 tuổi đối với nữ giới, trước khi có quy định chỉnh sửa vào năm 2021).
Các biến phụ thuộc bao gồm xác suất sử dụng dịch vụ y tế nội trú, xác suất sử dụng dịch vụ ngoại trú, tần suất nội trú, tần suất ngoại trú. Các biến độc lập đại diện cho việc nghỉ hưu được thu thập từ phần dữ liệu về việc làm trong Bộ dữ liệu Điều tra mức sống hộ gia đình. Biến kiểm soát được lấy từ phần thông tin điều tra về nhân khẩu và giáo dục, gồm số năm đi học, dân tộc, tình trạng hôn nhân, bảo hiểm y tế, và sáu vùng kinh tế của Việt Nam. Nghiên cứu cũng được thiết kế để phản ánh các tác động khác nhau của hai khu vực công – tư nhân và các khác biệt giới.
Nghiên cứu sử dụng độ tuổi nghỉ hưu hợp pháp của nam giới và nữ giới làm biến công cụ để kiểm tra tác động của việc sử dụng dịch vụ y tế ở Việt Nam. Phương pháp Bình phương nhỏ nhất hai giai đoạn (Two-Stage Least Squares) được sử dụng để đánh giá các tác động của việc nghỉ hưu đối với hành vi chăm sóc sức khoẻ. Đầu tiên, nghiên cứu ước tính xác suất nghỉ hưu dựa trên các thông tin nhân khẩu và giáo dục của mẫu, sau đó ước tính xác suất và tần suất sử dụng dịch vụ y tế dựa trên xác suất nghỉ hưu. Để kiểm soát các thay đổi theo thời gian, nghiên cứu cũng bao gồm các tác động cố định đối với năm khảo sát và năm sinh. Nghiên cứu cũng thực hiện hồi quy dạng rút gọn để ước tính các tác động của việc nghỉ hưu đối với việc sử dụng dịch vụ.
Các kết quả từ giai đoạn 1 của tính toán đã chỉ ra rằng nhận thức về quy định tuổi hưu có ảnh hưởng đến lựa chọn nghỉ hưu, làm tăng khả năng một người lựa chọn nghỉ hưu 19,7 điểm phần trăm ở nam giới và 16,7 điểm phần trăm ở nữ giới. Kiểm nghiệm ý nghĩa thống kê và kiểm nghiệm F cho thấy kết quả này có ý nghĩa thống kê, có thể được dùng để dự đoán khả năng nghỉ hưu đối với cả hai giới. Trong kết quả của giai đoạn 2, chỉ các kết quả liên quan đến dịch vụ ngoại trú là có ý nghĩa thống kê. Cụ thể, nghỉ hưu làm tăng xác suất đến bệnh viện khám ngoại trú lên 51,3 điểm phần trăm đối với nam và 36,1 điểm phần trăm đối với nữ. Tần suất khám bệnh ngoại trú cũng tăng 1,4 lần/năm đối với nam và gấp đôi đối với nữ.
Kết quả không cho thấy tác động nào đáng kể đối với các dịch vụ nội trú. Trong khu vực y tế tư nhân, nghiên cứu cũng không tìm thấy ảnh hưởng rõ ràng lên cả dịch vụ nội trú và ngoại trú, thể hiện rằng lựa chọn chăm sóc sức khoẻ ở khu vực tư không có hay đổi đáng kể giữa trước và sau khi nghỉ hưu. Kết quả từ hồi quy dạng rút gọn cũng xác nhận những phát hiện trên.
Như vậy, tác giả đã xem xét trường hợp của Việt Nam để chỉ ra rằng việc nghỉ hưu làm tăng khả năng và tần suất sử dụng các dịch vụ y tế ngoại trú, nhưng không làm tăng khả năng hay tần suất khám bệnh nội trú. Kết quả này có thể được giải thích bởi một thực tế là các điều trị ngoại trú thường có chi phí thấp hơn so với các dịch vụ nội trú. Kết quả này chỉ áp dụng cho khu vực chăm sóc sức khoẻ công, còn khu vực tư nhân không thể hiện rõ tác động của việc nghỉ hưu. Lấy bối cảnh nghiên cứu ở Việt Nam, nghiên cứu này giúp mở rộng hiểu biết về già hoá dân số ở các nước đang phát triển, nơi mà các nghiên cứu cùng chủ đề vẫn còn thiếu. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng góp phần bổ sung các hiểu biết về hành vi chăm sóc sức khoẻ ở người lớn tuổi nói chung. Các kết quả nghiên cứu có thể được dùng cho việc hoạch định nhiều chính sách trong tương lai như quy định tuổi nghỉ hưu, xây dựng các khung bảo hiểm y tế, thiết kế mạng lưới cơ sở y tế, và tính toán ngân sách trong ngành y tế.
Lê Anh Khánh Minh
Bài viết liên quan |