Ngày 04/11/2020
Paul Milgrom (trái) và Robert Wilson. Nguồn: Elena Zhukova/ The Stanford Graduate School of Business.
Tôi và tiến sĩ Lê Thanh Loan cùng các đồng sự khác, từ trung tâm Môi trường cho Phát triển Việt Nam, trường Đại học Kinh tế TP. HCM đang thực hiện nghiên cứu đo lường nhu cầu của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đối với một công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp: dùng tia laser san phẳng mặt ruộng. Công nghệ này giúp giảm nước tưới, giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác và tăng năng suất lúa.
Nông dân sẽ thuê máy san phẳng mặt ruộng bằng tia laser. Nhưng có một vấn đề là nhà đầu tư máy không biết nông dân sẵn lòng trả bao nhiêu tiền cho dịch vụ san phẳng mặt ruộng này. Sẽ ra sao nếu chi phí đầu tư máy quá cao trong khi nông dân chỉ có khả năng trả thấp hơn nhiều? Khi đó thì nhà nước nên can thiệp trợ giá cho công nghệ này bao nhiêu – vì công nghệ giúp giảm phát thải khí nhà kính đem lại lợi ích cho cả xã hội? Một vấn đề khác đặt ra là có thể nông dân rất quan tâm đến công nghệ mới này, họ có thể nghĩ rằng máy sẽ đem lại lợi ích lớn, nhưng lại trả giá thấp khi thuê máy vì sợ bị doanh nghiệp lừa đưa ra giá trị cao và bị mất một khoản tiền vô ích. Làm thế nào để người mua thực sự bộc lộ giá sẵn lòng trả cho dịch vụ? Nhóm nghiên cứu sử dụng kỹ thuật đấu giá Becker – DeGroote – Marschak để biết được nông dân sẵn lòng trả cao nhất bao nhiêu tiền.
Một ví dụ khác, chẳng hạn như các tổ chức từ thiện, hoặc nhà nước bán một số sản phẩm, như tranh, ô tô để thu tiền để phục vụ lợi ích công cộng. Làm thế nào nhà nước có thể thu được nhiều tiền nhất từ việc bán một chiếc xe đẹp, một bức tranh đẹp? Nên tổ chức đấu giá theo kiểu giá khởi điểm thấp sau đó tăng dần lên và sau một thời gian ai trả cao nhất sẽ là người được mua, hay đấu giá theo kiểu đặt giá khởi điểm thật cao sau đó người mua trả giảm dần đến khi người đầu tiên tuyên bố chấp nhận mức giá nào đó. Cách đấu giá nào thu được nhiều tiền hơn cho ngân sách nhà nước?
Ví dụ khác tiếp theo là nhà nước quyết định bán quyền khai thác đường sắt Bắc Nam cho các công ty vận tải đường sắt. Nhà nước cho đấu giá khai thác từng đoạn để tăng cạnh tranh và thu được giá tốt nhất. Tuy nhiên với một công ty vận tải, giá trị của đoạn đường đang đấu giá hiện tại, ví dụ Hà Nội – Vinh, phụ thuộc vào việc có mua được quyền khai thác đoạn đường Vinh – Đà Nẵng sẽ đấu giá trong tương lai. Công ty này sẽ tính toán như thế nào? Nhiều khả năng họ sẽ trả giá thấp hoặc rút lui chờ cơ hội. Như vậy phiên đấu giá không đạt được mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách và chọn được đơn vị hoạt động hiệu quả.
Lý thuyết đấu giá cũng sẽ giúp giải quyết các câu hỏi kiểu này. Nó hỏi và trả lời những câu hỏi cơ bản nhất trong kinh tế học: Ai nên nhận hàng hóa và với giá nào để đảm bảo giá đó đúng với giá trị của hàng hóa đó nhất?
Đấu giá phức tạp hơn vẻ bề ngoài mà mọi người thường nghe mô tả về nó. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả đấu giá:
Đầu tiên là việc người tham gia đấu giá nhìn nhận giá trị của vật phẩm được đấu giá ra sao. Nhận thức về giá trị quyết định hành vi mua sản phẩm. Kinh tế học quan niệm giá trị là phần phúc lợi thay đổi khi sử dụng một hàng hóa hay dịch vụ nào đó. Giá trị của chiếc xe ô tô đối với một cá nhân là những lợi ích cả về sử dụng và tinh thần mà chiếc xe mang lại cho cá nhân đó. Giá trị này thường được đo bằng giá sẵn lòng trả của cá nhân và trong ngôn ngữ của lý thuyết đấu giá được gọi là giá trị tư nhân.
Mặt khác, chiếc xe có giá trị chung, như nhau với tất cả mọi người. Giá trị cá nhân ẩn trong đầu người mua. Giá trị chung bộc lộ ra ngoài và phụ thuộc vào thông tin có được từ hành vi đấu giá, kinh nghiệm cá nhân của những người mua trong phiên đấu giá. Đấu giá được thiết kế tốt có thể làm người mua bộc lộ ra giá trị cá nhân – giá sẵn lòng trả cao nhất cho hàng hóa đấu giá.
Yếu tố quan trọng thứ ba tác động đến kết quả đấu giá là luật chơi – đấu giá theo kiểu nào, giá tăng dần hay giảm dần, người tham gia biết giá nêu của nhau hay không biết, giá thắng cuộc là giá cao nhất hay cao thứ nhì.
Tiếp theo, kết quả đấu giá cũng có thể bị thông tin tác động. Thông tin về giá trị chung của vật đấu giá thường không rõ và không chắc chắn. Mỗi người tham gia sẽ có sở thích khác nhau, lượng thông tin khác nhau và toan tính khác nhau. Khi bước vào cuộc đấu giá, người mua quan sát, giải mã tín hiệu từ mức giá nêu của những người khác và ra quyết định cho mức giá của mình.
Như vậy là để thiết kế được một phiên đấu giá tốt, người ta phải căn cứ vào rất nhiều biến số trên và không đơn giản để thiết kế ra luật chơi mang lại giá trị cao nhất cho người bán và cho xã hội. Nhưng trong trường hợp này, đấu giá cũng gặp vấn đề “lời nguyền của người chiến thắng”. Đó là, người thắng cuộc là người trả cao nhất nhưng có thể lại trả quá cao so với giá trị chung của vật đấu giá. Tuy nhiên do mọi người đều trả thấp hơn, nên về nguyên tắc vật đấu giá đó khó có thể được bán lại để kiếm lời. Người đấu giá biết được điều này nên sẽ có xu hướng đưa ra mức giá thấp.
Các nhà kinh tế học, mà tiêu biểu là Wilson và Milgrom, đã ứng dụng lý thuyết trò chơi, kết hợp vai trò của thông tin và hệ thống khuyến khích để hoàn thiện các cơ chế đấu giá khác nhau nhằm đạt kết quả phúc lợi tối ưu. Paul Milgrom và Robert Wilson đã cải tiến lý thuyết đấu giá và sáng tạo các hình thức đấu giá mới, đưa lý thuyết đấu giá ứng dụng vào thực tiễn, giúp phân bổ nguồn lực khan hiếm tốt hơn, giúp tăng phúc lợi xã hội. Và hai ông đã được trao tặng giải Nobel Kinh tế năm nay cho những thành quả đó.
Paul Milgrom và Robert Wilson sáng tạo ra hình thức đấu giá mới, gọi là Đấu giá đa phiên đồng thời (Simultaneous Multiple Round Auction – SMRA) để giải quyết một vấn đề thực tiễn – giá trị của một vật tại phiên đấu giá này phụ thuộc vào giá trị vật cùng loại ở nơi khác hoặc ở tương lai.
Phương thức Đấu giá đa phiên đồng thời, như tên gọi, cho phép các phiên đấu giá ở những địa điểm khác nhau diễn ra đồng thời với mức giá khởi điểm thấp để cho phép các bên tham gia vào đấu giá đều có thể quan sát hành vi đấu giá của nhau, giảm bớt đi tính không chắc chắn thông tin và do đó giải quyết được lời nguyền của người chiến thắng. Thống kê cho thấy ở mức độ toàn cầu, trong vòng 20 năm từ 1994 – 2014, chính phủ các nước đã thu được trên 200 tỷ USD từ đấu giá sóng viễn thông theo thể thức Đấu giá đa phiên đồng thời.
Paul Milgrom và Robert Wilson sáng tạo ra hình thức đấu giá mới, gọi là Đấu giá đa phiên đồng thời (Simultaneous Multiple Round Auction – SMRA) để giải quyết một vấn đề thực tiễn – giá trị của một vật tại phiên đấu giá này phụ thuộc vào giá trị vật cùng loại ở nơi khác hoặc ở tương lai. Thống kê cho thấy ở mức độ toàn cầu, trong vòng 20 năm từ 1994 – 2014, chính phủ các nước đã thu được trên 200 tỷ USD từ đấu giá sóng viễn thông theo thể thức Đấu giá đa phiên đồng thời.
Lý thuyết đấu giá chính là câu trả lời cho những vấn đề mà chúng ta vừa thảo luận ở trên. Đó là, nếu thiết kế đấu giá phù hợp hoặc đấu giá đa phiên đồng thời thì cả người mua bán xe, các doanh nghiệp vận tải tham gia đấu giá đều có thể quan sát được và hưởng một mức giá phù hợp nhất.
Còn thực tế ở Việt Nam hiện nay, nhìn chung đấu giá ở Việt Nam được áp dụng trong phạm vi hẹp, với hình thức đơn giản. Hiện nay phổ biến nhất là đấu giá tài sản và đấu giá quyền sử dụng đất được sử dụng phổ biến. Chẳng hạn, trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức đấu giá quyền khai thác cho trên 300 khu vực khoáng sản. Gần đây Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (tần số 4G, 5G) nhưng gặp khó khăn trong xác định giá khởi điểm.
Gần đây Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (tần số 4G, 5G) nhưng gặp khó khăn trong xác định giá khởi điểm. Nguồn ảnh minh họa: Báo Đầu tư.
Hình thức đấu giá ở Việt Nam thường theo kiểu đơn giản nhất là xác định giá khởi điểm, bước giá tăng dần và dừng lại ở người trả giá cao nhất. Đấu giá được quy định chặt chẽ bằng Luật đấu giá tài sản ban hành năm 2016 và các văn bản hành chính khác. Thiết kế đấu giá đơn điệu hiện nay không giúp vượt qua được các thách thức đến từ bản chất phức tạp của khái niệm giá trị và hành vi người tham gia, chẳng hạn như sự thông đồng giữa những người tham gia đấu giá, thông tin bất cân xứng, sự bất định trong đánh giá giá trị. Không giải quyết được các khó khăn này bằng thiết kế cơ chế đấu giá thông minh, xã hội có khả năng mất nhiều lợi ích tiềm năng.
Nghiên cứu và đào tạo chuyên gia thiết kế đấu giá ở Việt Nam hầu như là vùng trắng. Ở Việt Nam có đào tạo nghề đấu giá. Tuy nhiên đây chỉ là người tham gia điều hành cuộc đấu giá. Việc phân tích lý thuyết đấu giá này mới chỉ dừng lại ở trong cánh cửa một số trường đại học lớn. Một số chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế học tại một số đại học lớn có dạy về thiết kế đấu giá trong môn học Lý thuyết trò chơi. Một số giảng viên thực hiện nghiên cứu ứng dụng đấu giá để đo lường nhu cầu. Lý thuyết trò chơi, kinh tế học tổ chức ngành, thiết kế thị trường, thiết kế đấu giá là những lĩnh vực có tiềm năng ứng dụng thực tế rất cao đang chờ các trường đại học trong nước đẩy mạnh giảng dạy và nghiên cứu.
Hình thức đấu giá ở Việt Nam không giúp vượt qua được các thách thức đến từ bản chất phức tạp của khái niệm giá trị và hành vi người tham gia, chẳng hạn như sự thông đồng giữa những người tham gia đấu giá, thông tin bất cân xứng, sự bất định trong đánh giá giá trị.
Quay trở lại với chủ nhân giải Nobel Kinh tế học năm nay, cả hai giáo sư Robert Wilson và Paul Milgrom đều đang làm việc tại Đại học Stanford. GS. Wilson thực sự là cây đại thụ trong làng kinh tế học thế giới. Ông không những là thầy của GS. Milgrom, mà còn hướng dẫn luận án tiến sĩ cho hai khôi nguyên Nobel Kinh tế khác, GS. Alvin Roth và GS. Bengt Holmstrom. GS. Roth nói đùa “Bob (Wilson) là tộc trưởng của bộ lạc Nobel”.
Vị tộc trưởng và học trò Milgrom của mình còn tạo ra điểm đặc biệt cho giải Nobel Kinh tế học năm nay: họ là người phát triển lý thuyết, và cũng chính là người thiết kế các ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn. Giải Nobel năm nay không phải cho một lý thuyết kinh tế học buồn tẻ với các phương trình tính toán, mà giải vinh danh sự đóng góp toàn diện cả lý thuyết lẫn thực tế, làm cho xã hội thực sự tốt hơn cho hiện tại và tương lai.
Chúng ta mong chờ trong thời gian ngắn lý thuyết đấu giá được nghiên cứu và ứng dụng thực sự ở Việt Nam, góp phần nâng cao phúc lợi cho xã hội.
Bài viết gốc trên báo Tia sáng: https://tiasang.com.vn/-dien-dan/Nobel-kinh-te-nam-2020-Co-the-ung-dung-gi-o-Viet-Nam--26606
Bài viết liên quan |