Ngày 24/06/2020
Các khu bảo tồn biển (KBTB) thường được thành lập với mục đích bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học và môi trường sống (Balmford et al. 2004). KBTB còn được coi là một trong số các công cụ quản lý nghề cá (Rodwell et al. 2003). Khi đa dạng sinh học biển và phong cảnh biển được phục hồi do sự thành lập các KBTB, sẽ tạo nên những nét hấp dẫn riêng biệt đối với khách du lịch và các hoạt động vui chơi giải trí khác trên biển (Alban et al. 2008). Dựa trên khía cạnh này, KBTB không chỉ là một công cụ quản lý nghề cá, mà chúng còn có thể cung cấp các giá trị tiện ích là các nguồn lực để phát triển du lịch hoặc giải trí trên biển. Để có thể phân tích cả hai giá trị, khai thác thủy sản và du lịch, được cung cấp bởi KBTB, nhóm nghiên cứu của Bùi Bích Xuân (Giảng viên Đại học Nha Trang, Nhà nghiên cứu của EfD-Vietnam) và Claire W. Armstrong đã sử dụng cách tiếp cận mô hình kinh tế sinh học. Thông qua mô hình này, sự đánh đổi tối ưu giữa nghề cá và du lịch đã được xác định, và được so sánh với sự đánh đổi thực tế trong quản lý nguồn tài nguyên ven biển hiện nay ở tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.
Mô hình kinh tế sinh học lý thuyết bao gồm cả hai lợi ích kinh tế được cung cấp bởi KBTB (đó là khai thác thủy sản và du lịch) đã được xây dựng và sau đó được ứng dụng cho KBTB Vịnh Nha Trang tại tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Trong đó, dữ liệu khai thác nghề lưới vây cá cơm được sử dụng như là đại diện cho nghề cá của tỉnh Khánh Hòa; còn giá trị du lịch của KBTB Vịnh Nha Trang được ước tính từ dữ liệu điều tra khách du lịch nội địa, sử dụng phương pháp thí nghiệm lựa chọn rời rạc. Những mâu thuẫn lợi ích giữa du lịch và nghề cá liên quan đến thành lập KBTB đã được nghiên cứu không những ở các nước đang phát triển (Christie 2004; Oracion et al. 2005) mà còn ở các nước phát triển (Badalamenti et al., 2000). Lập luận chính trong các nghiên cứu này là khi thành lập các KBTB cho mục đích quản lý nguồn tài nguyên ven biển, các nhà quản lý đã không quan tâm một cách đầy đủ đến lợi ích của cộng đồng ngư dân ven biển. Do đó, một tham số trọng số (α) đã được thêm vào mô hình kinh tế sinh học để cho phép kiểm tra sự đánh đổi giữa các ưu tiên quản lý liên quan đến hai lĩnh vực được cung cấp bởi KBTB, khai thác thủy sản và du lịch.
Kết quả nghiên cứu cho thấy khi ưu tiên quản lý giữa hai ngành, khai thác thủy sản và du lịch, được đặt ngang nhau (α = 0,5), với diện tích KBTB tối ưu là 22% của diện tích vùng ven biển tỉnh Khánh Hòa thì tổng giá trị hiện tại ròng của hai ngành, khai thác thủy sản và du lịch, đạt được là lớn nhất. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, với chính sách ưu tiên quản lý hiện đang được áp dụng tại tỉnh Khánh Hòa đặt trọng tâm vào ngành khai thác thủy sản thay vì ngành du lịch, diện tích KBTB hiện tại nhỏ hơn đáng kể so với diện tích KBTB tối ưu được xác định từ mô hình ứng dụng. Và kết quả là những thiệt hại về mặt kinh tế, ví dụ như tổng giá trị hiện tại ròng tối ưu giảm 42%. Do đó, nghiên cứu này chỉ ra rằng ưu tiên quản lý ở tỉnh Khánh Hòa (cụ thể là thiết lập KBTB Vịnh Nha Trang) đang nghiêng nhiều về phía nghề cá thay vì ngành du lịch, với chi phí cơ hội cao. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều lập luận trong nghiên cứu về KBTB trên thế giới, đó là các KBTB được thiết lập nhưng chưa thực sự quan tâm một cách đầy đủ đến các lợi ích của cộng đồng ngư dân ven biển.
Tham khảo: Xuan, B. B., & Armstrong, C. W. (2019). Trading Off Tourism for Fisheries. Environmental and Resource Economics, 73(2), 697-716. https://doi.org/10.1007/s10640-018-0281-5
Bài viết liên quan |