Tác động trái chiều của việc phá rừng ngập mặn đến năng suất và rủi ro trong ngành nuôi tôm – Dẫn chứng từ Việt Nam

Ngày 25/03/2022

Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong sản lượng tôm, có tác dụng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Nông dân có thể tăng doanh thu bằng cách chuyển đổi nhiều diện tích rừng hơn để làm ao nuôi, nhưng sẽ đối mặt với nguy cơ sản lượng đầu ra không ổn định. Đó là tác động trái chiều của việc chuyển đổi rừng ngập mặn đến năng suất và rủi ro trong các ngành nuôi trồng thuỷ sản.

 

Tại các khu vực phủ rừng ngập mặn ở Việt Nam, nông dân được quyền chuyển đổi một phần diện tích rừng ngập mặn của họ thành mặt nước để nuôi tôm. Tình trạng này đã có từ giữa những năm 1990, khi việc quản lý, canh tác, và bảo vệ rừng được giao cho các hộ gia đình hoặc các đơn vị ngoài nhà nước. Theo thoả thuận giữa chính quyền hoặc ban quản lý rừng với hộ gia đình, diện tích rừng cho phép được chuyển đổi công năng có thể chiếm 20-40% diện tích được giao để sử dụng cho các hoạt động kinh tế. Phương pháp canh tác này đã mang lại những tác động trái chiều đến ngành nuôi tôm: một mặt giúp tăng năng suất, nhưng cũng đồng thời dẫn đến các rủi ro cao hơn trong sản xuất.

Tiếp nối các nghiên cứu trước đó tập trung chủ yếu vào tác động của rừng ngập mặn lên sản lượng, một nghiên cứu gần đây của hai nhà nghiên cứu Đỗ Hữu LuậtTrương Đăng Thụy đã đi sâu hơn để xem xét tác động của việc phá rừng ngập mặn đối với các rủi ro trong ngành nuôi tôm. Các tác giả nhận thấy rằng rừng ngập mặn đóng một vai trò quan trọng trong sản lượng tôm, đồng thời có tác dụng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Ngược lại, nông dân có thể chọn tăng doanh thu bằng cách chuyển đổi nhiều diện tích rừng hơn để làm ao nuôi, nhưng họ sẽ đối mặt với nguy cơ sản lượng đầu ra không ổn định. Đó là tác động trái chiều của việc chuyển đổi rừng ngập mặn đến năng suất và rủi ro trong các ngành nuôi trồng thuỷ sản, cụ thể là nuôi trồng tôm.

Chính sách quản lý rừng ngập mặn của Việt Nam

Kể từ năm 1995, khoảng 1/5 diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới đã bị mất do có hiện tượng chuyển đổi đất rừng nhanh chóng để phục vụ cho các hoạt động xã hội và mục đích sinh kế như làm nhà ở, sản xuất nông nghiệp và bảo tồn. Việt Nam cũng đã áp dụng ​​một mô hình kết hợp rừng ngập mặn và không gian nuôi trồng thuỷ sản, thường thấy ở Đồng bằng sông Cửu Long nơi tập trung nhiều rừng ngập mặn. Sau Luật Đất đai Việt Nam năm 1993, công tác quản lý rừng không còn là trách nhiệm chỉ của nhà nước, mà dần được chuyển giao cho các hộ gia đình kể từ năm 1994. Chính sách giao đất mới yêu cầu các đơn vị quản lý các khu vực rừng ngập mặn phải duy trì 60-80% độ che phủ, tức cho phép chuyển đổi 20-40% diện tích được giao cho các mục đích sử dụng khác. Mức độ che phủ được quyết định dựa trên hợp đồng thỏa thuận giữa đơn vị quản lý với chính quyền địa phương hoặc các ban quản lý rừng.

Kể từ khi chính sách mới được ban hành năm 1993, hầu hết các hộ gia đình bắt đầu chuyển rừng ngập mặn thành mặt nước để nuôi tôm. Để giữ yêu cầu về tỷ lệ che phủ rừng ngập mặn (60-80%), nông dân thường chọn mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với bảo tồn rừng ngập mặn (quảng canh hoặc bán thâm canh) vì mô hình này cho phép người nuôi tận dụng môi trường tự nhiên để nuôi tôm đồng thời duy trì độ che phủ đã thỏa thuận. Tuy nhiên, đã có trường hợp khai thác quá mức và vi phạm tỷ lệ chuyển đổi do thực thi chính sách kém và thiếu chuyên môn trong quản lý rừng ngập mặn.

Vai trò của rừng ngập mặn trong nuôi tôm

Rừng ngập mặn cung cấp một số lợi ích kinh tế và sinh thái cho cộng đồng ở các khu vực ven biển và bờ sông, như cung cấp môi trường sống và chất dinh dưỡng cho tôm và các loài thủy sản đóng vai trò làm thức ăn cho tôm, do đó cải thiện năng suất tôm và giảm biến động trong sản lượng. Các loài ngập mặn lọc các chất độc hại trong nước, từ đó nâng cao chất lượng nước và thúc đẩy sản xuất tôm giống tự nhiên. Ngoài ra, rừng ngập mặn có thể giúp giảm thiểu và bảo vệ chống lại các điều kiện khí hậu khắc nghiệt, giúp sản xuất ổn định hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn khi đối mặt với biến đổi khí hậu. Như vậy, rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất và giữ ổn định mức sản lượng.

Tuy nhiên, độ che phủ cao cũng có những hậu quả tiêu cực. Lá rơi hoặc một số hợp chất từ các loài thực vật ngập mặn có thể trở thành chất độc hại cho tôm và loài khác thủy sản. Dù rừng ngập mặn cung cấp môi trường sống cho tôm và các sinh vật thức ăn cho tôm, rừng cũng là nơi trú ẩn của các loài săn mồi và nhuyễn thể có thể tấn công hoặc cạnh tranh nguồn thức ăn với vật nuôi trồng. Các yếu tố như tuổi rừng, mật độ cây và độ che phủ của rừng ngập mặn có thể ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động nuôi trồng thủy sản. Độ che phủ cao cũng có thể gây hại cho các loài thủy sản nuôi trồng và làm giảm sản lượng tôm.

Như vậy, rừng ngập mặn có những ảnh hưởng trái chiều đến hoạt động nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là nuôi tôm. Một mặt, việc chuyển đổi rừng ngập mặn có thể phá vỡ môi trường sống của các loài thuỷ sinh vật, tăng nguy cơ dịch bệnh và giảm tính ổn định trong sản xuất, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng. Mặt khác, độ che phủ cao hơn có thể tạo ra các loài cạnh tranh có hại cho sự phát triển của tôm. Do đó, người nông dân cần phải cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn môi trường, trong khi vẫn duy trì các yêu cầu quy định về độ bao phủ.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu của hai nhà tác giả Đỗ Hữu Luật và Trương Đăng Thụy sử dụng khung lý thuyết Just & Pope (1978) để đánh giá rủi ro đầu ra trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Khung lý thuyết này thích hợp với mục đích của bài nghiên cứu do nó xem xét cả các biến đổi trong sản lượng sản xuất, bên cạnh các biến đầu vào và đầu ra. Mô hình sử dụng sản lượng đầu ra là biến phụ thuộc; các biến độc lập bao gồm các yếu tố đầu vào (diện tích trang trại, lao động, thức ăn chăn nuôi, các hóa chất khác), thuộc tính của rừng ngập mặn (tỷ lệ che phủ, mật độ, có rừng ngập mặn trong trang trại hay không) và đặc điểm nhân khẩu của chủ hộ (độ tuổi, số năm đi học).

Nghiên cứu được thực hiện ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đóng góp 52% ​​tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam và chiếm 70% tổng diện tích nuôi trồng (800.000 héc-ta mặt nước). Có 3 mô hình nuôi trồng thủy sản thường được áp dụng ở Đồng bằng sông Cửu Long là quảng canh, bán thâm canh và thâm canh. Việc lựa chọn các mô hình khác nhau tùy thuộc vào kích thước ao, mật độ sinh vật, và loại thức ăn được sử dụng. Ở những vùng rừng ngập mặn, các mô hình bán thâm canh và quảng canh được sử dụng phổ biến.

Dữ liệu được thu thập từ 881 hộ nuôi tôm, nhưng do một số hộ có nhiều hơn một trang trại nên tổng số quan sát là 993, gồm cả trang trại bán thâm canh (10% các quan sát) và quảng canh (90%). Khảo sát được thực hiện trong hai năm 2015 và 2017 tại sáu tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Bảng câu hỏi bao gồm các câu hỏi về nhân khẩu học, tình trạng rừng ngập mặn và hiệu suất nuôi trồng thủy sản trong 12 tháng trước đó, tương ứng với các yếu tố trong mô hình Just & Pope (1978). Để phản ánh một thực tế rằng các trang trại có nuôi trồng các loài thủy sản khác ngoài tôm, nghiên cứu sử dụng doanh thu trên mét vuông và tổng doanh thu để đo lường biến sản lượng đầu ra.

Kết quả nghiên cứu cho thấy độ che phủ rừng ngập mặn cao làm giảm năng suất nuôi m

Từ kết quả nghiên cứu, mỗi thuộc tính của rừng ngập mặn (tỷ lệ che phủ, mật độ, có rừng ngập mặn trong trang trại hay không) có ảnh hưởng khác nhau đến năng suất và biến động trong sản lượng tôm. Mức độ bao phủ cao hơn có tác động tiêu cực đến sản lượng và năng suất, nhưng đồng thời làm giảm tính biến động trong sản xuất. Tương tự, sự tồn tại của rừng ngập mặn trong các trang trại nuôi tôm làm giảm hiệu suất nuôi trồng thủy sản ở cả mô hình bán thâm canh và quảng canh. Tuy nhiên, mật độ rừng ngập mặn không có tác động có ý nghĩa thống kê đến biến động trong doanh thu, năng suất và sản lượng của trang trại. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối quan hệ tương quan thuận hoặc hình chữ U giữa độ che phủ của rừng ngập mặn và sản lượng tôm. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ ra độ che phủ của rừng ngập mặn có ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và năng suất nuôi tôm. Cụ thể, tỷ lệ che phủ rừng ngập mặn trong ao cao hơn đồng nghĩa với ít diện tích mặt nước hơn, hạn chế ánh sáng mặt trời xâm nhập, đẩy nhanh quá trình phân huỷ của lá - là những yếu tố không thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Các tác giả cũng phát hiện ra rằng 60% là tỷ lệ che phủ lý tưởng mà tại đó trang trại có thể đạt được năng suất và lợi nhuận tối ưu.

Hầu hết các yếu tố đầu vào đều có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến đầu ra của tôm; trừ yếu tố lao động, kể cả lao động trong gia đình và lao động làm thuê, không có ảnh hưởng đáng kể. Trong khi đó, diện tích trang trại có tương quan nghịch với sản lượng khi xét trong mô hình độ che phủ rừng - doanh thu trên mỗi mét vuông. Bên cạnh đó, việc sử dụng bổ sung các nguyên liệu đầu vào như ấu trùng, thức ăn, và hóa chất có khả năng làm tăng năng suất tôm. Về khả năng quản lý của người canh tác, cả tuổi và số năm đi học đều có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến năng suất tôm. Kết quả này khẳng định rằng những nông dân lớn tuổi và có trình độ học vấn là những người có kinh nghiệm và kỹ năng thực hành các mô hình nuôi trồng thủy sản và quản lý hệ thống rừng ngập mặn.

Tuy nhiên, độ che phủ rừng cũng có tác dụng giảm thiểu rủi ro trong sản xuất

Mặc dù độ che phủ cao hơn làm giảm sản lượng, nhưng rừng ngập mặn trong các trang trại cũng làm giảm biến động trong sản lượng và rủi ro sản xuất. Hệ thống rừng ngập mặn dọc theo các khu vực ven biển và bờ sông có khả năng giảm thiểu các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt, lọc các chất độc hại, điều chỉnh mức độ ô nhiễm, duy trì chất lượng nước. Nhờ đó, rừng ngập mặn ngăn chặn các rủi ro trong quá trình nuôi tôm, góp phần vào sự ổn định sản xuất.

Nhìn vào mô hình độ che phủ rừng - tổng doanh thu, có sự biến thiên đáng kể trong sản lượng dự kiến và độ biến động sản lượng khi tăng độ che phủ. Cụ thể, khi tăng tỷ lệ bao phủ từ 0% lên 60% hoặc 80% (theo tỷ lệ bắt buộc), doanh thu thường niên giảm từ $3.200 xuống $2.300 hoặc $2.200, nhưng đồng thời độ rủi ro trong sản xuất cũng thấp hơn đáng kể. Mô hình độ che phủ rừng - doanh thu trên mỗi mét vuông cũng cho kết quả tương tự: độ che phủ ít hơn 1% sẽ làm tăng doanh thu thêm $0,09-0,12 cho mỗi mét vuông, nhưng cũng làm tăng rủi ro trong sản xuất. Các yếu tố đầu vào khác như diện tích trang trại, thức ăn và lao động được thuê làm tăng sự biến động trong sản xuất, nhưng lao động gia đình lại là yếu tố giúp giảm rủi ro sản xuất, do các lao động này có khả năng xử lý kịp thời các vấn đề trong quá trình nuôi trồng.

Hàm ý của nghiên cứu

Nghiên cứu này đã xem xét các tác động trái chiều của rừng ngập mặn trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam. Độ che phủ của rừng ngập mặn cao có thể hạn chế sản lượng sản xuất và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của các nông hộ, điều này giải thích cho hành vi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của nhiều nông dân Việt Nam ở các vùng ven biển. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, độ che phủ cao hơn làm giảm tính biến động trong quá trình sản xuất, do đó duy trì mức năng suất và bảo tồn môi trường sinh thái cho sản xuất về lâu dài. Những kết quả này cũng đã giải thích vì sao những người nông dân không thích rủi ro lại có xu hướng trồng và bảo tồn nhiều rừng ngập mặn hơn trong trang trại của họ, do họ cân nhắc đến các rủi ro xuất phát từ độ che phủ thấp đến sản lượng và tính ổn định trong sản xuất.

Bài viết liên quan

The Environment for Development (EfD) Initiative is a capacity building program in environmental economics focusing on research, policy interaction, and academic programs.

028.3844.8249 0834.337732 admin@EfD.vn 028.3847.7948

1A Hoàng Diệu, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TPHCM

Copyright (c) 2018 Environment for Devlopment in Vietnam

Designed by Sweetsoft