Ngày 16/12/2019
Tình trạng đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh ở thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bao gồm cả việc xây dựng nhiều đập để sản xuất thủy điện, đang làm tăng nguy cơ lũ lụt ở vùng hạ lưu. Những tác động tiềm ẩn của biến đổi khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng càng làm gia tăng rủi ro lũ lụt và đe dọa sinh kế của nông dân. Lũ lụt đã gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng ở ĐBSCL trong mùa mưa (MRC, 2008; WWF, 2016). Năm 2017, diện tích đất trồng lúa bị thiệt hại hoàn toàn do lũ lụt tại ĐBSCL, dao động từ 600 đến 22.000 ha mỗi tỉnh. Từ đó đặt ra câu hỏi, liệu rằng bảo hiểm lũ lụt có phải là giải pháp khả thi?
Do phần lớn người dân ở ĐBSCL phụ thuộc nhiều vào các hoạt động nông nghiệp và không có nguồn tài chính dự phòng, thu nhập của họ thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau lũ lụt. Sau các trận lụt lớn, nông dân ở ĐBSCL hầu như chỉ dựa vào trợ cấp của chính phủ và quyên góp của các tổ chức. Tuy nhiên, các khoản trợ cấp sau thảm họa của chính phủ chỉ bù đắp 15% thiệt hại cho mùa màng và đầu tư vào các hoạt động nông nghiệp (Ngọc Anh, 2011).
Bảo hiểm lũ lụt đối với mùa màng được cho là giải pháp phù hợp để cải thiện khả năng tự phục hồi của nông dân sau lũ bằng cách chia sẻ rủi ro và qua đó tránh được bẫy nghèo đói (Barnett, Barrett, & Skees, 2008). Tuy nhiên, bảo hiểm lũ lụt vẫn còn xa lạ với phần lớn nông dân. Dự án Bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm (Phạm, 2015).
Để phân tích nhu cầu đối với bảo hiểm lũ lụt, nghiên cứu đã áp dụng phương pháp thí nghiệm lựa chọn. Với phương pháp này, mỗi nông dân được đề nghị lựa chọn giữa các gói bảo hiểm khác nhau. Mỗi gói bảo hiểm sẽ được thiết kế khác nhau về mức phí, tỷ lệ thiệt hại được bồi thường, số tiền bồi thường tối đa, loại thiên tai được bảo hiểm, và loại hình của công ty cung cấp gói bảo hiểm. Bằng cách quan sát lựa chọn của nông dân, nghiên cứu xác định được mức độ đánh đổi giữa phí bảo hiểm và các đặc điểm khác của gói bảo hiểm theo phương pháp được phát triển bởi McFadden (1973). Từ đó, nghiên cứu ước lượng được mức giá sẵn lòng trả cho các gói bảo hiểm.
Nghiên cứu tiến hành thí nghiệm lựa chọn với nông dân ở huyện Tân Châu (An Giang), Cao Lãnh và Tân Hồng (Đồng Tháp). Nhóm nghiên cứu thiết kế 36 tình huống lựa chọn được minh họa bằng hình ảnh, và bốc ngẫu nhiên 6 tình huống để hỏi mỗi nông dân. Mỗi tình huống có 3 phương án lựa chọn. Ở mỗi tình huống, đặc điểm của từng gói bảo hiểm được giải thích kỹ càng và người tham gia được đề nghị lựa chọn phương án tốt nhất đối với họ.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng trong hầu hết các trường hợp. nông dân sẵn lòng trả 200 – 300 nghìn đồng/công/vụ cho một gói bảo hiểm bồi thường 75% thiệt hại với mức bồi thường tối đa là 2 triệu đồng/công/vụ. Mức giá sẵn lòng trả này dao động tùy vào loại rủi ro được bảo hiểm và đặc điểm của công ty cung cấp gói bảo hiểm. Những gói bảo hiểm nhiều loại thiên tai hơn sẽ được ưa thích hơn. Công ty liên doanh cũng được ưa thích hơn so với công ty trong nước và nước ngoài.
Nghiên cứu cũng nhận thấy rằng có hơn 80% nông dân sẵn lòng mua gói bảo hiểm của một công ty liên doanh với nước ngoài với giá 200 nghìn đồng/công/vụ. Tỷ lệ này là thấp hơn, chỉ khoảng 50 – 60% nếu gói bảo hiểm được cung cấp bởi công ty trong nước hoặc nước ngoài.
Kết quả nghiên cứu này chỉ ra tiềm năng của thị trường bảo hiểm nông nghiệp ở ĐBSCL, và rằng chính phủ có thể giảm gánh nặng trợ cấp thiên tai bằng cách phát triển thị trường này. Thị trường bảo hiểm sẽ giúp bù đắp các thiệt hại do lũ lụt hoặc thiên tai, qua đó giúp tránh tình trạng nghèo đói do thảm họa gây ra. Các phân tích cũng cho thấy tâm lý lệ thuộc vào trợ cấp của chính phủ không ảnh hưởng đến mức giá sẵn lòng trả cho bảo hiểm nông nghiệp, và do đó không phải là một trở ngại đối với sự phát triển của thị trường bảo hiểm.
Tham khảo: (2019) Willingness to pay for agricultural flood insurance in the Mekong River Delta, Environmental Hazards, 18:3, 212-227, DOI: 10.1080/17477891.2018.1540342
Bài viết liên quan |