Ngày 29/04/2020
Nghiên cứu này cũng đã tính toán số lượng rừng ngập mặn tối ưu mà các trại tôm cần giữ lại, nếu việc nuôi tôm ở đây được cho phép: khoảng 60%. Nếu chuyển đổi nhiều hơn, họ sẽ đánh mất hệ sinh thái quan trọng mà rừng mang lại cho hoạt động nuôi tôm, thứ mà họ phụ thuộc cho mục đích sinh kế.
Do đó, nhà nước phải đảm bảo không quá 40% diện tích rừng ngập mặn ở các trại tôm bị chặt phá, trái với những gì đang xảy ra hiện nay, khi nông dân vẫn ung dung tiếp tục chuyển đổi đất rừng để mở rộng hoạt động nuôi tôm.
Đây là những phát hiện của một nhóm các nhà kinh tế môi trường từ Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, gần đây đã đến thăm vùng ĐBSCL để đánh giá tính hiệu quả của chính sách bảo tồn rừng ngập mặn khi cho phép nông dân tự quản lý rừng của họ.
Việt Nam đã mất mát khá nhiều rừng ngập mặt trong thế kỷ qua. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, tổng diện tích rừng ngập mặn bao phủ bị giảm mạnh từ 200.000 ha xuống dưới 72.000 ha chỉ trong hai thập kỷ. Vào thời điểm đó, tất cả các khu rừng này đều thuộc quyền quản lý trực tiếp của nhà nước.
Với nỗ lực đảo ngược tình trạng này, nhà nước đã thi hành một hướng tiếp cận quản lý rừng mới vào năm 1995: chính phủ đã quyết định cho phép nông dân trực tiếp quản lý rừng ngập mặn, trao cho họ quyền sử dụng đất và yêu cầu họ chịu trách nhiệm bảo tồn và chăm sóc rừng. Theo chính sách này, nông dân phải giữ lại ít nhất 60% diện tích rừng ngập mặn, và được phép chuyển đổi lên đến 40% diện tích còn lại thành các mục đích sử dụng khác – chẳng hạn phổ biến nhất là dùng cho nuôi tôm. Nhưng chính sách này lại được thực thi một cách yếu kém. Nông dân nhanh chóng bắt đầu chuyển đổi nhiều rừng hơn so với quy định nhằm tăng kích thước ao nuôi tôm của họ. Nông dân đã và đang cố gắng tối đa hóa lợi nhuận mà không nhận ra rằng họ đang thực sự phá hoại chúng, bởi vì khi rừng ngập mặn mất đi thì hệ sinh thái mà họ cần cho việc nuôi tôm hiệu quả cũng bị phá hủy.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và đã cố gắng trả lời câu hỏi của nhà nước về vấn đề bảo tồn rừng: Nông dân nên được phép chuyển đổi bao nhiêu diện tích rừng ngập mặn, để mà có thể cân bằng một cách tốt nhất giữa lợi nhuận từ hoạt động nuôi tôm và mục tiêu bảo tồn rừng của nhà nước? Vào năm 2017, một nhóm các nhà kinh tế từ trường đại học đã đến thăm tám tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam, xem phương pháp quản lý rừng ngập mặn 'phi tập trung' này hiệu quả như thế nào. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trải dài khoảng 40.000 km2, nơi sông Mekong đổ ra Biển Đông. Vùng đồng bằng trải rộng trên 14 tỉnh và thành phố, với dân số 18 triệu người, chiếm 20,5% dân số cả nước.
ĐBSCL là khu vực nuôi trồng thủy sản lớn nhất ở Việt Nam, chiếm khoảng 70% tổng diện tích nuôi trồng của cả nước và cung cấp hơn 52% sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm. Năm 2014, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn là khoảng 800.000 ha, với tổng sản lượng trên 2,4 triệu tấn. Mặc dù một số khu vực trồng rừng được nhà nước tuyên truyền đã thúc đẩy phục hồi tổng diện tích rừng ngập mặn lên đến khoảng 100.000 ha ở các khu vực ven biển và cửa sông, tình hình mất rừng vẫn chưa được đảo ngược một cách suôn sẻ, các nhà nghiên cứu cho biết.
Trong chuyến khảo sát tại 8 tỉnh miền Tây, nhóm nghiên cứu đã khảo sát hơn 800 hộ gia đình để đánh giá tác động của chính sách quản lý rừng ngập mặn của nhà nước. Một phần của chính sách là để phân bổ quyền sử dụng đất và trách nhiệm quản lý rừng cho nông dân, thường là trong khoảng thời gian 20 năm. Sau đó, quyền sử dụng & quản lý của nông dân đối với đất đai sẽ được gia hạn hoặc chuyển giao cho một nông dân khác. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, trong trường hợp nông dân có quyền tiếp cận đất lâu dài và gắn bó hơn, họ có khuynh hướng chuyển đổi nhiều diện tích rừng ngập mặn hơn.
Trong khi đó, ở những khu vực mà nông dân có thể tiếp cận rừng của họ dễ dàng hơn bằng xe máy, thì rừng lại ít bị chặt phá hơn. Có lẽ là nhờ sự minh bạch từ cộng đồng, người dân và lính kiểm lâm có thể theo dõi các hoạt động trong rừng, theo suy đoán của các nhà nghiên cứu.
Điều quan trọng nữa là, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, khi nông dân có nhiều chiến lược sinh kế và thu nhập đa nguồn, họ có xu hướng chuyển đổi ít rừng ngập mặn hơn. Những nông dân này làm việc trong một thị trường lao động, vì vậy khi điều kiện thị trường thuận lợi hơn cho công việc phi nông nghiệp, và đặc biệt khi tiền lương được trả cao hơn, rừng ngập mặn sẽ được họ bảo tồn tốt hơn.
Kết quả quan trọng từ nghiên cứu này là độ che phủ rừng ngập mặn tối ưu cho hoạt động nuôi tôm là khoảng 60%. Điều này ngụ ý rằng việc duy trì mức độ che phủ rừng ngập mặn ở mức 60% vừa là tuân thủ chính sách, và cũng mang lại sản lượng và lợi nhuận cao nhất cho người nuôi tôm. Đề xuất cho bước tiếp theo là chính phủ nên đưa ra một hướng đi tốt nhằm củng cố chính sách hiện hành, đảm bảo rằng nông dân không thể chuyển đổi hơn 40% diện tích rừng ngập mặn. Bằng cách đó, cả hai bên liên quan có thể đạt được mục tiêu của họ một cách công bình.
Ngoài vai trò trong nuôi trồng tôm, rừng ngập mặn cũng duy trì sự sống cho một loạt các loài động thực vật và hỗ trợ các chuỗi thức ăn ven biển. Khi các vấn đề về biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, hệ sinh thái rừng ngập mặn càng trở nên quan trọng hơn. Rừng ngập mặn đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các khu vực ven biển và thích ứng được với mọi điều kiện môi trường khắc nghiệt. Rừng ngập mặn đóng vai trò là rào cản tự nhiên trước bão, xói lở bờ biển và mực nước biển dâng.