Môi trường không phải để nhà đầu tư xài miễn phí!

Ngày 17/04/2021

(KTSG Online) - Không ai trả tiền để hít thở không khí vì chúng gần như miễn phí, nhưng các nhà đầu tư thì nên trả tiền cho các dịch vụ hệ sinh thái mà dự án nhận được từ rừng ngập mặn, hay các rừng phòng hộ đầu nguồn.

Đây là một trong những nội dung chính KTSG Online ghi nhận qua buổi trao đổi với TS. Phạm Khánh Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), Giám đốc Trung tâm Môi trường cho Phát triển Việt Nam (EfD-Vietnam), trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH). Cuộc trao đổi xoay quanh câu chuyện cân bằng mối quan hệ lợi ích giữa hệ sinh thái, chủ đầu tư, nhà quản lý và xã hội tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.

TS. Phạm Khánh Nam. Ảnh: NVCC.

KTSG Online: Trong thời gian qua công chúng phản ứng rất mạnh về nhiều dự án lùm xùm vấn đề môi trường. Như vậy, việc quản lý và kiểm soát các hoạt động đầu tư dự án tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ phải được quan tâm và siết chặt hơn nữa phải không, thưa ông?

- Ông Phạm Khánh Nam: Khái niệm Khu dự trữ sinh quyển được UNESCO đưa ra vào khoảng đầu thập niên 70, sau khi nhận thấy việc quản lý ở Khu bảo tồn còn nhiều vấn đề. Nguyên nhân vì công cụ quản lý của khu bảo tồn thông thường là cấm khai thác, nhưng người dân sống khu vực xung quanh vẫn khai thác tài nguyên thiên nhiên, mà lực lượng hành pháp không thể nào ngăn cản được vì áp lực sinh kế quá lớn.

Không gian được mở rộng thành Khu dự trữ sinh quyển và được chia thành ba vùng. Trong đó vùng lõi về mặt bản chất có chức năng là bảo tồn và hỗ trợ công tác văn hóa khoa học giáo dục, còn vùng đệm và vùng chuyển tiếp còn có chức năng phát triển kinh tế xã hội, cho phép người dân và chính quyền cùng tham gia khai thác, sử dụng hàng hóa dịch vụ tài nguyên môi trường mà hệ sinh thái đó mang lại.

Còn vùng chuyển tiếp thì cho phép thêm doanh nghiệp hoạt động. Đây cũng là chủ thể có sức mạnh hơn hẳn nông dân. Họ thực hiện các dự án phát triển, ví dụ xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, bến cảng, đô thị. Những dự án này nằm trong khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) cần tuân theo nguyên tắc đầu tiên là chỉ được nằm trong vùng chuyển tiếp, tất nhiên còn phải tuân theo quy ước trong các hiệp ước quốc tế đã ký.

Ngoài yếu tố “không gian chuyển tiếp” thì các quy định hiện hành có liên quan đến môi trường liệu đã đầy đủ chưa, thưa ông?

- Theo quy định, một dự án phải đánh giá tác động về môi trường, xem ảnh hưởng về số lượng và chất lượng như thế nào. Dự án đó phải xem trong quá trình xây dựng và vận hành bao nhiêu ha rừng bị mất, ảnh hưởng như thế nào về môi trường, suy thoái đất, đa dạng sinh học v.v.đánh giá độc lập và được các bên liên quan, các bên thụ hưởng, cộng đồng có ý kiến. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan thì nhiều đánh giá tác động môi trường chỉ mang tính hình thức vì chưa thực sự chỉ ra tác động đúng của dự án đến môi trường trong cả hiện tại và tương lai.

Hệ quả về môi trường thì chúng ta đều đã thấy rõ trong thời gian qua, như các dự án thủy điện chẳng hạn. Hay các nhà máy sản xuất giấy, chế biến thủy sản, dù có đánh giá tác động môi trường ở ĐBSCL đều không đầy đủ hoặc không thực chất. Người dân ở xung quanh hạ nguồn phản đối vì nước sông ô nhiễm không tưới tiêu được, hay nhiều hệ lụy khác như cạn nguồn nước ngầm do tăng khai thác, sụt lún,…

Kinh nghiệm quốc tế là cần phải có quy định về việc phân tích lợi ích chi phí, tức phải quy thành giá trị bằng tiền những tác động môi trường của dự án. Phân tích lợi ích chi phí sẽ chỉ ra dự án này có thực sự đem lại lợi ích cho xã hội hay không, còn đánh giá tác động môi trường chỉ cho thấy tăng giảm, hay suy thoái môi trường hay không, chứ không chỉ ra giá trị lợi ích của môi trường là bao nhiêu, là lớn hay nhỏ.

Ví dụ một dự án xóa sổ 100 ha rừng để xây dựng, thì trong đánh giá tác động môi trường chỉ báo cáo đánh giá rằng rừng giàu hay nghèo đi bao nhiêu về mặt số lượng và chất lượng, còn phân tích lợi ích chi phí thì phải ước lượng được giá trị mất đi bằng tiền là bao nhiêu.

Một góc rừng ngập mặn ở Cần Giờ. Sau khi được Chính phủ đồng ý điều chỉnh diện tích Khu đô thị lấn biển Cần Giờ từ 600ha lên 2.870ha, với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỉ đồng, vào năm ngoái, UBND TPHCM vào tháng 2-2021 đã ban hành 4 quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ đối với các phân khu A, B, C, D, E. Ảnh: D.Nguyễn

Ước lượng bằng tiền cụ thể thì có ý nghĩa gì, thưa ông?

Nguyên tắc của phân tích lợi ích chi phí là tính toán toàn bộ giá trị thiệt hại tác động môi trường, hệ sinh thái do dự án phát triển mang lại quy thành tiền, để đưa vào bảng tính toán. Các nhà đầu tư thông thường không đưa chi phí này vào báo cáo tính toán dòng tiền dự án.

Dưới góc độ quản lý, nhà nước cần biết bên cạnh chi phí, lợi ích đem lại cho chủ đầu tư, thì chi phí thiệt hại môi trường là bao nhiêu. Các chi phí này nên được liệt kê, tính toán đưa vào bởi đây là chi phí mà người dân xung quanh, cả nước và thế hệ tương lai gánh chịu.

Mặc dù phân tích lợi ích chi phí tại Việt Nam vẫn còn là khái niệm mới, nhưng ở Mỹ thì luật hóa điều này hơn 100 năm trong Đạo luật quản lý nước. Về mặt khoa học, cũng như kinh nghiệm quản lý đặc biệt về ứng xử với hệ sinh thái, hàng hóa tài nguyên môi trường, chúng ta cần phải phân tích lợi ích chi phí thì mới đưa ra quyết định chính xác được rằng dự án có thực sự đem lại lợi ích cho xã hội hay không. Nếu chỉ đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư chứ không tạo ra lợi ích xã hội thì cũng không nên thực hiện dự án.

Đô thị hóa trong giai đoạn 1997-2017 là một trong những nguyên nhân tiêu biểu khiến diện tích rừng ngập mặn ở một vài tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long biến mất. Nguồn: NVCC.

Ngoài việc cần tính đủ tính đúng các chi phí của dự án để rộng đường thông tin, quản lý dự án liên quan đến hàng hóa đặc biệt là môi trường cần theo nguyên tắc nào khác?

Một dự án khi vận hành, xây dựng thì bao giờ cũng có thiệt hại về đa đạng sinh học và hệ sinh thái, nên phải thực hiện bồi hoàn lại đa dạng sinh học. Điều này nghĩa là dự án gây thiệt hại bao nhiêu cho hệ sinh thái thì phải có kế hoạch đền bù khi dự án tiến hành mới được thông qua, ví dụ chặt 100ha rừng để mở đường thì phải trồng lại 100 ha rừng bên cạnh, trả lại ở mức bằng đó hoặc hơn đó.

Thêm nữa, dự án cũng phải thực hiện chi trả dịch vụ hệ sinh thái. Nghĩa là sử dụng dịch vụ nào của hệ sinh thái cung cấp thì phải trả tiền cho dịch vụ nhận được chứ không phải miễn phí.

Nhóm công cụ này thực tế đã có một số nơi áp dụng thí điểm dù chưa được luật hóa. Điển hình như Nhà máy nước Sawaco, đơn vị sử dụng nguồn nước để tạo ra nước sạch, chi trả tiền dịch vụ cho người bảo vệ rừng đầu nguồn ở tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai.

Phổ biến hơn là một số nhà máy thủy điện. Nguồn nước đầu vào tuy là miễn phí, nhưng để đảm bảo nguồn nước thì nhờ vào rừng ở thượng nguồn, có chức năng cung cấp nước cho hạ lưu, giữ nước, lọc nước (để giảm bùn lắng đọng trong lòng hồ thủy điện – PV). Chúng giúp giảm chi phí cho thủy điện thì thủy điện cũng nên trả tiền cho những người quản lý rừng đầu nguồn.

Nhưng các công cụ nêu trên vẫn sẽ nằm ở thì tương lai?

Rất thú vị là các công cụ này đã có mặt trong Luật bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 11 năm ngoái. Trong điều 21 chương 2 có quy định các dự án cần phải thực hiện việc bồi hoàn đa dạng sinh học. Bộ tài nguyên môi trường hiện cũng đang tiến hành sửa đổi Luật Đa dạng sinh học, lần gần nhất là vào năm 2008, cũng sẽ chính thức đưa công cụ này vào.

Một điểm đáng kể khác là chương 11 trong Luật bảo vệ môi trường là chương hoàn toàn mới, quy định công cụ kinh tế để bảo vệ môi trường, có thể xem đây là bước phát triển mới về tầm nhìn để bảo vệ hệ sinh thái. Điều 138 có nói về công cụ chi trả dịch vụ hệ sinh thái. Các cơ quan hữu trách vẫn đang xây dựng các văn bản dưới luật cụ thể để hướng dẫn.

Quan điểm chung là hệ sinh thái từ trước đến nay đã mang lại cho anh nhiều lợi ích, trước giờ anh xài dịch vụ miễn phí thì nay cần phải trả tiền. Cơ quan quản lý thu được nguồn tài chính đầu tư ngược lại để bảo vệ môi trường, để hệ sinh thái tiếp tục cung cấp dịch vụ đó cho người trả tiền.

Còn với các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển, sẽ phải thực hiện những quy định mới này trong tương lai. Nếu dự án không ảnh hưởng đến phúc lợi xã hội sau khi phân tích chi phí lợi ích, thực hiện bồi hoàn đa dạng sinh học và chi trả dịch vụ hệ sinh thái, nhà đầu tư vẫn có lợi nhuận tài chính thì thực hiện dự án đầu tư đó vẫn tốt thôi.

Xin cảm ơn ông!

Bài viết liên quan

The Environment for Development (EfD) Initiative is a capacity building program in environmental economics focusing on research, policy interaction, and academic programs.

028.3844.8249 0834.337732 admin@EfD.vn 028.3847.7948

1A Hoàng Diệu, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TPHCM

Copyright (c) 2018 Environment for Devlopment in Vietnam

Designed by Sweetsoft