Ngày 28/10/2024
_
Tác giả: Hồ Hoàng Anh - Đại học Kinh tế TP. HỒ Chí Minh
Thoạt nhìn vào phần tóm lược của Ủy ban giải Nobel Kinh tế, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nội dung của những công trình nghiên cứu được trao giải Nobel Kinh tế năm 2024 không quá khác biệt so với thế hệ trước đây. Điều gì có thể lý giải cho sự lựa chọn của Ủy ban giải Nobel Kinh tế 2024?
Ba nhà kinh tế được giải Nobel Kinh tế 2024: Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson. Nguồn ảnh: Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (National Bureau of Economic Research – NBER).
Giải Nobel Kinh tế 2024 được trao cho Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson “vì những nghiên cứu về cách thức thể chế được hình thành và ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của các quốc gia”. Khi nhắc đến từ khóa thể chế, những ai nghiên cứu về lĩnh vực này sẽ ngay lập tức nghĩ về Douglass C. North và Robert W. Fogel, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 1993 “vì đã đổi mới cách thức nghiên cứu lịch sử kinh tế bằng cách áp dụng lý thuyết kinh tế và các phương pháp định lượng để giải thích sự thay đổi của thể chế và nền kinh tế.”
Sau hai thập niên, giải Nobel Kinh tế lại được trao cho những công trình nghiên cứu về thể chế và phát triển kinh tế. Thoạt nhìn vào phần tóm lược của Ủy ban giải Nobel Kinh tế chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nội dung của những công trình nghiên cứu được trao giải Nobel Kinh tế 2024 không quá khác biệt so với thế hệ trước đây. Điều gì có thể lý giải cho sự lựa chọn của Ủy ban giải Nobel Kinh tế 2024?
Vào thập niên 1970 và 1980, kinh tế học vẫn đang say mê với các lý thuyết tăng trưởng kinh tế xoay quanh đầu tư tích lũy vốn và thay đổi công nghệ. Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng trong sản lượng (số lượng hàng hóa và dịch vụ) mà các nền kinh tế có thể sản xuất ra trong một giai đoạn. Để làm được điều này, các nền kinh tế có thể gia tăng: (1) khối lượng đầu vào sản xuất như vốn (nhà xưởng, máy móc, thiết bị), lao động hay tài nguyên (đất đai); và/hoặc (2) năng suất (sản xuất ra nhiều sản lượng hơn với cùng một khối lượng đầu vào). Robert Solow, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 1987, là người đặt nền tảng cho các lý thuyết này. Robert Solow đã chỉ ra rằng các nền kinh tế không thể duy trì tăng trưởng cao trong dài hạn nếu chỉ dựa vào đầu tư tích lũy vốn, thay vào đó gia tăng năng suất mới là yếu tố quyết định. Ở thời điểm này, quan điểm phổ biến cho rằng thay đổi công nghệ chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định gia tăng năng suất. Lý thuyết tăng trưởng này cũng cho rằng các nền kinh tế đang phát triển có tiềm năng sinh lợi của vốn cao tương đối so với các nền kinh tế đã phát triển và có thể học được công nghệ từ các nền kinh tế này. Theo đó vốn đầu tư sẽ di chuyển đến các nước đang phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp các nước này bắt kịp các nước phát triển. Tăng trưởng kinh tế ngoạn mục ở Anh sau các cuộc cách mạng công nghiệp và việc các nước phương Tây sau đó lần lượt gia nhập câu lạc bộ các nước phát triển là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho niềm tin này. Thị trường sẽ dẫn dắt các cá nhân đi theo tiếng gọi của lợi nhuận, tạo ra tăng trưởng kinh tế và một thế giới tương lai ở đó quốc gia nào cũng giàu có thịnh vượng.
Một đóng góp trong những nghiên cứu mới nhất gần đây của Daron Acemoglu và James A. Robinson là những phân tích về mối quan hệ giữa các quy chuẩn xã hội, hay có thể gọi bằng một thuật ngữ khác là văn hóa, và thể chế.
Sau đó, các công trình của Douglass C. North và nhiều nhà nghiên cứu khác về thể chế cùng thời đại đã thức tỉnh nhiều kẻ mộng mơ về quy luật thị trường dẫn dắt tất thảy. Douglass C. North phát triển một khung phân tích lý thuyết để tích hợp yếu tố thể chế vào lý thuyết tăng trưởng và chỉ ra rằng thị trường sẽ không vận hành một cách hữu ích nếu thiếu một nền tảng thể chế vững chắc để hỗ trợ các quy luật thị trường. North tranh luận rằng cách mạng công nghiệp không phải là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự thịnh vượng kinh tế ở Anh. Chính sự ra đời của các thể chế dân chủ bảo vệ quyền tài sản tư nhân và quyền tự do kinh doanh khỏi sự can thiệp độc tài của Hoàng Gia và giai cấp quý tộc đã thúc đẩy đầu tư và tạo ra đổi mới công nghệ ở Anh.
Tới đầu những năm 1990, các nghiên cứu thực nghiệm mở rộng ra toàn cầu cũng nhận ra rằng các nước đang phát triển nhìn chung không có xu hướng bắt kịp các nước phát triển. Vốn đầu tư từ các nước phát triển không có xu hướng di chuyển sang các nước đang phát triển mặc dù tiềm năng sinh lợi của vốn đầu tư ở các nước này rất cao. Lý do là các nước đang phát triển thiếu nền tảng thể chế bảo vệ quyền tài sản tư nhân và quyền tự do kinh doanh, dẫn đến việc đầu tư ở các nước này luôn đi kèm với rủi ro rất cao.
Tại sao các thể chế tốt cho tăng trưởng kinh tế lại xuất hiện ở Anh mà không phải các quốc gia khác? Douglass C. North đã phát triển một khung phân tích lý thuyết để giải thích cho sự thay đổi của thể chế với hai giả thuyết chính. Thứ nhất, các nhóm lợi ích trong nền kinh tế luôn cố gắng chiếm đoạt quyền lực để tạo ra các thể chế bảo vệ lợi ích của chính mình, mặc cho các thể chế này gây thiệt hại cho nền kinh tế nói chung. Và khi các thể chế này hình thành, các nhóm lợi ích sẽ dùng quyền lực để duy trì chúng. Lợi ích do các thể chế này đem lại tập trung trong tay một nhóm lợi ích, trong khi thiệt hại do các thể chế này gây ra thì lại phân tán trong toàn nền kinh tế. Do đó, rất khó để đẩy lùi lợi ích nhóm và thay đổi thể chế. Thể chế chỉ thay đổi khi: (1) các nhóm lợi ích nhận thấy việc thay đổi thể chế là có lợi cho mình, và/hoặc (2) có một cơ chế nào đó kết nối các bên chịu thiệt hại lại với nhau để thực hiện một cuộc đấu tranh chống lại các nhóm lợi ích và thay đổi thể chế. Theo North, sự thay đổi thể chế ở Anh phần lớn là đi theo mẫu hình số (1).
Minh họa: nobelprize.org
Thứ hai, North cho rằng khi một thể chế ra đời theo thời gian nó sẽ tạo ra một nền tảng các quy chuẩn xã hội tương thích với nó. Do đó kể cả khi thể chế có thể thay đổi về mặt pháp lý qua một đêm, các thể chế mới này sẽ không có tác động thực sự đến sự vận hành của xã hội bởi vì nền tảng các quy chuẩn xã hội vẫn chưa thay đổi. Trong trường hợp này, các thể chế mới hoàn toàn chỉ có giá trị danh nghĩa trên giấy tờ mà không có giá trị gì về mặt chức năng. Ví dụ minh họa, thể chế giao thông trong xã hội nông nghiệp là đi bộ và phi ngựa tự do. Theo thời gian, thể chế này tạo ra một nền tảng quy chuẩn xã hội tương thích với nó: giao thông trên đường dựa trên nền tảng nhường nhau hoặc giành nhau. Qua một đêm xã hội có thể ban hành một thể chế mới thay thế thể chế cũ như giao thông trên đường phải tuân theo tín hiệu đèn xanh vàng đỏ. Theo giả thuyết của North, trong trường hợp này, chúng ta sẽ thấy người tham gia giao thông tiếp tục ra đường đi bộ và phi ngựa theo quy chuẩn xã hội nhường nhau hoặc giành nhau, bất chấp màu sắc của đèn giao thông. Thể chế vì vậy có thể thay đổi về hình thức rất nhanh, nhưng về chức năng thực sự trong nền kinh tế thì rất khó để thay đổi.
Vậy thì những công trình của Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson có đóng góp gì mới so với các bậc tiền bối cách đây hai thập kỷ?
Đầu tiên, khi nghiên cứu về các chủ đề như sự thay đổi của thể chế và nền kinh tế, các nhà nghiên cứu cần phải có những quan sát rất dài theo thời gian. Do đó, nhìn vào lịch sử của các nền kinh tế là một cách tiếp cận tất yếu. Douglass C. North và Robert W. Fogel là những người tiên phong trong việc thu thập dữ liệu về các nền kinh tế trong lịch sử và sử dụng các phương pháp định lượng trong việc nghiên cứu các vấn đề kinh tế trong lịch sử. Cùng với nhiều nhà kinh tế học khác cùng thời đại, North và Fogel đã đóng góp rất lớn vào việc đổi mới và tạo ra một hướng nghiên cứu đầy thú vị với tên gọi là “lịch sử kinh tế”. Tuy nhiên, dữ liệu và các phương pháp định lượng mà North và Fogel sử dụng vào thời đại của họ vẫn còn rất sơ khai, chủ yếu là các tình huống nghiên cứu đơn lẻ và các phương pháp kinh tế lượng đơn giản. Một trong những đóng góp của Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson là xây dựng các bộ dữ liệu lớn cho nhiều quốc gia trên giới và ứng dụng một cách sáng tạo các phương pháp kinh tế lượng hiện đại vào nghiên cứu về tác động của thể chế đến tăng trưởng kinh tế. Các phương pháp kinh tế lượng này đã được trao giải Nobel Kinh tế 2021.
Một nghiên cứu thành công trong kinh tế học là một nghiên cứu đạt được sự cân bằng giữa tính mới và tính thuyết phục, có đủ tính mới để khiến nhiều người quan tâm và có đủ tính thuyết phục để lôi kéo những người quan tâm này vào các cuộc tranh luận sâu hơn.
Douglass C. North và Robert W. Fogel cũng là những người tiên phong trong việc áp dụng các nguyên lý nền tảng của kinh tế học trong việc phân tích các vấn đề kinh tế trong lịch sử. Tuy nhiên, như North vẫn luôn nhấn mạnh trong các công trình của mình, mục tiêu của ông chỉ là phát triển các khung phân tích lý thuyết với các trụ cột chính để mở ra những góc nhìn mới về thể chế và phát triển kinh tế. Một trong những đóng góp của Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson là xây dựng các mô hình lý thuyết kinh tế chi tiết, với sự giúp đỡ của ngôn ngữ toán học, để phân tích sâu sắc hơn về bản chất của tiến trình thay đổi thể chế. Cả ba đã làm rõ hơn các điều kiện để các nhóm lợi ích chấp nhận thay đổi thể chế.
Một đóng góp nữa trong những nghiên cứu mới nhất gần đây của Daron Acemoglu và James A. Robinson là những phân tích về mối quan hệ giữa các quy chuẩn xã hội, hay có thể gọi bằng một thuật ngữ khác là văn hóa, và thể chế. Vấn đề này đã được Douglass C. North đặt ra cách đây hơn hai thập kỷ và hiện nay đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà kinh tế học nghiên cứu về văn hóa và thể chế. Rất tiếc Ủy ban Nobel đã không nhắc đến những công trình này của Daron Acemoglu và James A. Robinson. Điều này khiến cho công chúng không nhìn nhận hết được tính toàn diện và những nỗ lực bền bỉ của Daron Acemoglu và James A. Robinson trong hành trình tìm hiểu về thể chế và phát triển kinh tế. Có lẽ Ủy ban Nobel muốn để dành chủ đề này cho một giải Nobel Kinh tế trong tương lai vinh danh những công trình nghiên cứu “giải mã mối quan hệ giữa văn hóa, thể chế và phát triển kinh tế”.
Hiểu theo nghĩa hẹp thì chúng ta không học được gì nhiều từ các công trình nghiên cứu được trao giải Nobel Kinh tế 2024, cũng như các giải Nobel Kinh tế khác trong lịch sử. Trong khoa học tự nhiên, một hay một số công trình nghiên cứu sinh học có thể đặt nền tảng để tạo ra một loại vaccine. Trong kinh tế học, hay khoa học xã hội nói chung, không có một hay một số công trình nghiên cứu đơn lẻ nào có thể đem lại những bài học hữu ích về các nguyên lý vận hành của nền kinh tế. Các bài học hữu ích trong kinh tế học luôn được đúc kết ra từ một tập hợp các công trình của nhiều nhà nghiên cứu liên tục tranh luận và kiểm chứng các lý thuyết và kết quả thực nghiệm, mỗi công trình đóng góp một khía cạnh trong việc hình thành một khối hiểu biết chung về nền kinh tế.
Có một sự đánh đổi trong nghiên cứu kinh tế học giữa tính mới và tính thuyết phục. Một nghiên cứu hoàn toàn thuyết phục là một nghiên cứu về một chủ đề rất quen thuộc, có đầy đủ dữ liệu cần thiết và tìm ra một kết quả mà hầu hết ai cũng có thể dự đoán được. Một công trình như vậy chắc chắn không có gì để gây tranh cãi. Một nghiên cứu hoàn toàn mới là một nghiên cứu về một chủ đề vô cùng độc đáo mà chưa ai nghĩ tới, không có một dữ liệu nào để kiểm chứng và tất cả chỉ là những phỏng đoán viển vông. Chắc chắn không ai muốn phí thời gian tranh cãi với một công trình như vậy. Một nghiên cứu thành công trong kinh tế học là một nghiên cứu đạt được sự cân bằng giữa tính mới và tính thuyết phục, có đủ tính mới để khiến nhiều người quan tâm và có đủ tính thuyết phục để lôi kéo những người quan tâm này vào các cuộc tranh luận sâu hơn. Thu hút rất nhiều sự quan tâm và cũng gây ra rất nhiều tranh cãi là minh chứng hùng hồn cho sự thành công của các công trình nghiên cứu của Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson. Cùng với nhiều nhà nghiên cứu khác cùng thời đại, các công trình nghiên cứu của Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson đã lôi kéo theo một khối lượng đồ sộ các nghiên cứu về thể chế và phát triển kinh tế. Từ chính tập thể các công trình nghiên cứu này, cho tới nay chúng ta có thể đúc kết ra một số bài học mang tính nguyên lý chung như sau:
– Thể chế nói chung đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế. Rất nhiều nghiên cứu cho đến nay đã đi vào phân tích các thể chế cụ thể, ví dụ như quyền sở hữu đất đai, và cho thấy chúng ảnh hưởng nhiều đến các hành vi và thành quả kinh tế.
– Để thay đổi thể chế cần phải có cách thức để đẩy lùi sự chống đối của các nhóm lợi ích. Điều này phải dựa trên nền tảng ủng hộ của đại đa số dân chúng, kết hợp với quyết tâm và kỹ năng chính trị của các nhà lãnh đạo.
– Thể chế không tồn tại và thay đổi một cách biệt lập, mà có các mối quan hệ qua lại chồng chéo (đồng tiến hóa) với văn hóa và phát triển kinh tế. Do đó, thể chế có thể thay đổi rất nhanh về mặt hình thức, nhưng chức năng thực sự thì rất khó để thay đổi.
– Các nước đang phát triển không nên sao chép rập khuôn về mặt hình thức các thể chế của các nước phát triển, mà nên chú trọng vào phương diện chức năng của các thể chế này. Rồi từ đó căn cứ vào nền tảng văn hóa, kinh tế và chính trị riêng biệt của từng quốc gia để thiết kế và đưa vào áp dụng các thể chế phù hợp, thực hiện được các chức năng cần thiết. Đây là một quá trình tiệm tiến thử và sai, vừa làm vừa học.
Cũng như các giải thưởng khác (Oscar hay Grammy), giải Nobel hằng năm được quyết định dựa trên các tiêu chí chủ quan của hội đồng giải thưởng. Có rất nhiều công trình nghiên cứu đến từ nhiều chủ đề nghiên cứu khác nhau đều xứng đáng được trao giải thưởng. Năm nay, khẩu vị của Ủy ban giải Nobel Kinh tế đã gọi tên thể chế và phát triển kinh tế. Trong mảng nghiên cứu về thể chế và phát triển kinh tế cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu xứng đáng được trao giải. Những nhà nghiên cứu hoàn toàn xứng đáng được gọi tên (xếp theo thứ tự bảng chữ cái): Alberto Alesina (đã qua đời), Timothy Besley, Torsten Persson, Andrei Shleifer hay Guido Tabellini. Nếu may mắn đã gọi tên những nhà nghiên cứu này, tôi có thể viết một bài tương tự về những đóng góp của họ.
Tất nhiên may mắn đã gọi tên Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson. Với những đóng góp của cả ba, không có lý do gì để chúng ta không chúc mừng họ. Và khi chúc mừng thì đừng quên rằng giải thưởng nào cũng được trao cho những phát minh trong quá khứ. Hãy nhanh chóng quay lại với những chủ đề và công trình nghiên cứu thú vị ở hiện tại, trân trọng những nghiên cứu dám làm những điều mới mẻ một cách nghiêm túc và tranh luận trên tinh thần xây dựng để cùng nhau đóng góp vào kho tàng hiểu biết chung về thế giới.
—————
Douglass C. North và Robert W. Fogel là những người tiên phong trong việc thu thập dữ liệu về các nền kinh tế trong lịch sử và sử dụng các phương pháp định lượng trong việc nghiên cứu các vấn đề kinh tế trong lịch sử. Cùng với nhiều nhà kinh tế học khác cùng thời đại, North và Fogel đã đóng góp rất lớn vào việc đổi mới và tạo ra một hướng nghiên cứu đầy thú vị với tên gọi là “lịch sử kinh tế”. Tuy nhiên, dữ liệu và các phương pháp định lượng mà North và Fogel sử dụng vào thời đại của họ vẫn còn rất sơ khai, chủ yếu là các tình huống nghiên cứu đơn lẻ và các phương pháp kinh tế lượng đơn giản. Một trong những đóng góp của Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson là xây dựng các bộ dữ liệu lớn cho nhiều quốc gia trên giới và ứng dụng một cách sáng tạo các phương pháp kinh tế lượng hiện đại vào nghiên cứu về tác động của thể chế đến tăng trưởng kinh tế.
—————
Nguồn: https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nobel-kinh-te-2024-bai-hoc-ve-the-che/
Bài viết liên quan |