Ngày 21/06/2021
Tại cuộc họp ngày 18/6, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 cho biết sau khi tiêm vaccine cho các nhóm ưu tiên, đạt đến miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế sẽ khởi động cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ.
Đồng tình với đề xuất này, TS Phạm Khánh Nam (Đại học Kinh tế TP HCM) nói vaccine Covid-19 có đặc tính là "hàng hóa bán công", người sử dụng không chỉ phòng ngừa bệnh cho bản thân mà còn giúp cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Vì vậy, chiến lược vaccine của Việt Nam đề ra các nhóm ưu tiên tiêm và miễn phí là đúng đắn.
Tuy nhiên, bên cạnh chương trình tiêm chủng mở rộng, việc cho phép cơ chế tiêm dịch vụ sẽ giúp mở ra nhiều hơn các kênh tiếp cận vaccine và thêm lựa chọn cho người dân, doanh nghiệp.
"Kết hợp giữa tiêm vaccine dịch vụ và miễn phí sẽ kích thích các doanh nghiệp, địa phương tìm kiếm, đa dạng nguồn vaccine. Điều này giúp Việt Nam giải quyết bài toán trước mắt là cần vaccine nhanh, nhiều, và đảm bảo về lâu dài nếu phải tiêm nhắc lại hàng năm", tiến sĩ Nam phân tích.
Ông cho hay "mới đây tôi thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp 600 người ngẫu nhiên tại TP HCM, kết quả 76% đồng ý trả 700.000 đồng cho hai liều vaccine Covid-19".
Tiến sĩ Nam đề xuất Quỹ vaccine hiện nay sẽ dùng để tiêm cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Cùng với đó, cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ nên được khởi động ngay, triển khai cùng lúc với việc tiêm cho các nhóm ưu tiên. "Để sớm có miễn dịch cộng đồng, chúng ta mở tất cả các cửa, kênh nào tiếp cận được vaccine nguồn gốc rõ ràng từ nhà sản xuất vào lúc này đều đáng quý", ông nói.
https://vnexpress.net/chuyen-gia-viet-nam-nen-ket-hop-tiem-vaccine-mien-phi-va-dich-vu-4297115.html
Bài viết liên quan |