Ứng xử với khu dự trữ sinh quyển trong phát triển kinh tế

Ngày 30/03/2021

Trao đổi của TS. Phạm Khánh Nam với Thời báo Kinh tế Sài Gòn liên quan đến phân tích về lợi ích và chi phí doanh nghiệp cần thực hiện khi đầu tư vào những dự án trong vùng sinh quyển.

 

(KTSG Online) - Trong mục tiêu gắn kết hoạt động bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế bền vững, Kinh tế Sài Gòn Online tổ chức diễn đàn trực tuyến với chủ đề: 'Ứng xử với khu dự trữ sinh quyển trong phát triển kinh tế'. Sự kiện này nhằm hưởng ứng các hoạt động nhân Ngày Rừng thế giới (21-3), Ngày Nước thế giới (22-3) và Ngày Khí tượng thế giới (23-3).

Diễn đàn được tổ chức với mục đích tạo không gian cho các cuộc trao đổi, góp ý kiến ở nhiều góc độ khác nhau cho các dự án quy hoạch phát triển đô thị có liên quan đến yếu tố môi trường, sinh quyển. Trong quá trình thực hiện nội dung, KTSG Online đã ghi nhận nhiều sáng kiến, quan điểm đóng góp trong việc hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường từ các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, xin tổng hợp và gửi tới quý độc giả trong bài viết dưới đây.

Hài hòa mục tiêu kinh tế và bảo tồn các khu dự trữ sinh quyển

Nhận định về việc cân bằng lợi ích trong phát triển kinh tế và bảo tồn tại các khu dự trữ sinh quyển ở nước ta hiện nay, TS. Hồ Long Phi, chuyên gia về quy hoạch đô thị và biến đổi khí hậu nhận định đây là vấn đề khá khó khăn và thách thức. Bởi, đa số người dân sống trong các vùng đệm sinh quyển hay khu vực bảo tồn đều có đời sống kinh tế khó khăn và họ ít quan tâm đến các giải pháp bảo vệ môi trường; đối với họ, yếu tố môi trường vẫn đi sau sinh kế.

Việt Nam đã có những giải pháp cho vấn đề này đến từ việc trợ cấp cho người dân sinh kế trong vùng đệm sinh quyển. “Nhưng tôi cho rằng thiệt hại môi trường đến từ những cái khác như là thủy điện, thi công đường sá và lấn biển. Gần đây nhiều khu dự trữ sinh quyển, ngập mặn đã bị bao phía ngoài bởi những khu dân cư mới phát triển như ở Cần giờ và Quảng Ninh, điều này cho thấy những căng thẳng giữa lợi kinh tế và bảo vệ môi trường mà không dễ một sớm một chiều giải quyết được. Nếu theo đuổi lợi ích trước mắt và đánh đổi hệ sinh thái lâu dài, kinh tế luôn luôn đi trước. Nếu chúng ta theo đuổi lợi ích lâu dài thì chúng ta phải biết chấp nhận một số lợi ích kinh tế trước mắt”.

Ông Hồ Long Phi cũng cho biết thêm, ở góc độ nghiên cứu khoa học, bảo vệ các môi trường sinh thái, giới khoa học đã làm khá nhiều và có sự tham gia của cộng đồng quốc tế. Những nghiên cứu về khoa học hiện đã chỉ ra được nhiều điều, làm thay đổi nhận thức của người dân và các nhà quản lý. Tuy nhiên đó là cả một quá trình rất dài, chúng ta đang ở giai đoạn chập chững tái khôi phục lại những gì đã mất, nhưng con đường còn rất gian nan, mà trọng tâm là nằm ở nhận thức.

Phân tích chi phí thiệt hại và bồi hoàn môi trường trong báo cáo đầu tư

Phân tích ở góc độ kinh tế môi trường, TS. Phạm Khánh Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), Giám đốc Trung tâm Môi trường cho Phát triển Việt Nam (EfD-Vietnam), trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), cho biết theo quy định, trong giai đoạn chuẩn bị, một dự án phải có đánh giá tác động về môi trường, xem ảnh hưởng về số lượng và chất lượng như thế nào. Ví dụ như ở Cần Giờ, dự án đó phải được dự tính xem trong quá trình xây dựng và vận hành bao nhiêu héc-ta rừng bị mất đi, ảnh hưởng như thế nào về môi trường, suy thoái đất, đa dạng sinh học... Các đánh giá này mang tính độc lập và được các bên liên quan, các bên thụ hưởng, cộng đồng có ý kiến.

Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan thì nhiều đánh giá tác động môi trường chỉ mang tính hình thức vì chưa thực sự chỉ ra tác động đúng của dự án đến môi trường trong cả hiện tại và tương lai.

Hệ quả về môi trường, theo TS. Phạm Khánh Nam, chúng ta đều đã thấy rõ trong thời gian qua, như các dự án thủy điện chẳng hạn. Hay các nhà máy sản xuất giấy, chế biến thủy sản, dù có đánh giá tác động môi trường ở ĐBSCL đều không đầy đủ hoặc không thực chất. Người dân ở xung quanh hạ nguồn phản đối vì nước sông ô nhiễm không tưới tiêu được, hay nhiều hệ lụy khác như cạn nguồn nước ngầm do tăng khai thác, sụt lún,…

Kinh nghiệm quốc tế là cần phải có quy định về việc phân tích lợi ích chi phí, tức phải quy thành giá trị bằng tiền những tác động môi trường của dự án. Phân tích lợi ích chi phí sẽ chỉ ra dự án này có thực sự đem lại lợi ích cho xã hội hay không, còn đánh giá tác động môi trường chỉ cho thấy tăng giảm, hay suy thoái môi trường hay không, chứ không chỉ ra giá trị lợi ích của môi trường là bao nhiêu, là lớn hay nhỏ.


Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ tài nguyên khu dự trữ sinh quyển

Trong 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) là một trong những khu dự trữ được UNESCO đánh giá cao về mặt phát triển kinh tế xanh, hạn chế carbon và rác thải, bảo tồn được đa dạng sinh học của vùng nhưng vẫn giúp cộng đồng dân cư tại chỗ phát triển kinh tế.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết chính quyền và người dân Quảng Nam nói chung, Hội An và Cù Lao Chàm nói riêng thời gian qua đã có cách tiếp cận rất phù hợp đảm bảo bảo tồn và phát huy Cù Lao Chàm. Đương nhiên việc đảm bảo bảo tồn và phát triển theo một cách khoa học, bảo đảm việc đem lại lợi ích cho người dân và tiếp tục phát huy những giá trị vốn có của khu dự trữ sinh quyển này. Trải qua một thời gian dài, đi từ thấp đến cao, chính quyền cùng người dân địa phương đang phát triển khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm ngày càng tốt hơn. “Điều có thể thấy là hệ sinh thái động, thực vật tại Cù Lao Chàm đã được phát triển tốt hơn, phong phú hơn. Môi trường sống được duy trì và cải thiện tốt hơn nên đã bảo vệ nguồn gen một số loại động vật quý hiếm trong đó có rùa biển”.

Bên cạnh đó, phong trào không dùng túi ni lông, kiểm soát lượng khách ra Cù Lao Chàm tương ứng với khả năng và sức chịu đựng của Cù Lao Chàm đã được thực hiện để môi trường sinh thái Cù Lao Chàm không bị phá vỡ.

Tuy nhiên, dù là khu dự trữ sinh quyển có các điều kiện bảo tồn và phát triển kinh tế phù hợp song Cù Lao Chàm vẫn còn gặp những khó khăn do điều kiện sinh hoạt của người dân nơi đây còn hạn chế, đặc biệt là vấn đề rác thải, nước sinh hoạt và chất thải khác chưa có giải pháp đồng bộ để cùng nhau thực hiện. “Về kinh tế du lịch, chúng ta mới nặng về số lượng, chưa nặng về chất lượng, do đó chưa khai thác hết lợi ích cộng đồng một cách bền vững như mong muốn” ông Thanh nói.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng như các nhà nghiên cứu tại khu vực đề xuất những chiến lược phát triển kinh tế thích nghi với điều kiện bảo tồn tại Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.

Những tín hiệu tích cực từ trong khung pháp lý

Chín khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam hiện chiếm đến 12,1% diện tích của cả nước và là nơi sinh sống của 2,3 triệu người.

Xét về giá trị kinh tế, theo nghiên cứu của nhóm tác giả tại Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), chỉ tính riêng khu vực ĐBSCL, giá trị kinh tế của hệ sinh thái rừng ngập mặn tại khu vực này năm 2017 là 126,7 triệu Đô la Mỹ. Đây là những vùng đất, nước vùng chuyển tiếp đan xen có sự đa dạng sinh học và tiềm năm phát triển kinh tế to lớn. Song có một thực tế hiện nay là các khu vực này đang bị xâm lấn hoặc phát triển một cách ồ ạt thiếu sự tính toán đến yếu tố bảo tồn.

TS. Hồ Long Phi cho biết trong thời gian gian qua nhiều dự án được cấp phép xây dựng trong các khu dự trữ, khu bảo tồn vấp phải sự phản ứng, điều này cho thấy họ chưa có những báo cáo cụ thể về vấn đề phát triển và bảo tồn. Song song đó, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, bảo tồn cũng là đơn vị cấp phép đầu tư xây dựng trong các khu vực đó. Góp ý về việc bổ sung cơ chế trong luật pháp để việc bảo tồn cần được chú trọng hơn, ông cho rằng thực tế luật pháp chúng ta đã đủ song vấn đề cần lưu tâm là việc triển khai thực hiện, giám sát các báo cáo cũng như quá trình triển khai dự án đầu tư,…

Góp ý về vấn đề cân bằng lợi ích môi trường, chủ đầu tư, nhà quản lý và xã hội tại hhu dự trữ sinh quyển, TS. Phạm Khánh Nam đề cập đến khái niệm bồi hoàn sinh học. Nghĩa là phải tính toán dự án gây thiệt hại bao nhiêu cho hệ sinh thái thì phải có kế hoạch đền bù khi dự án tiến hành mới được thông qua, ví dụ chặt 100ha rừng để mở đường thì phải trồng lại 100 ha rừng bên cạnh, trả lại ở mức bằng đó hoặc hơn đó.

Thêm nữa, dự án cũng phải thực hiện chi trả dịch vụ hệ sinh thái. Nghĩa là sử dụng dịch vụ nào của hệ sinh thái cung cấp thì phải trả tiền cho dịch vụ nhận được chứ không phải miễn phí.

Nhóm công cụ này thực tế đã có một số nơi áp dụng thí điểm dù chưa được luật hóa. Tín hiệu tích cực cho việc bảo vệ các khu bảo tồn, khu dự trữ hiện nay là nhóm các công cụ được cụ thể hóa trong luật. Hiện nay, ngoài Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi Việt Nam đã có thêm Luật Đa dạng sinh học, cùng một hệ thống các văn bản dưới luật, đây được coi là một bước phát triển, cùng với sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức quốc tế trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

https://www.thesaigontimes.vn/314729/ung-xu-voi-khu-du-tru-sinh-quyen-trong-phat-trien-kinh-te.html

Bài viết liên quan

The Environment for Development (EfD) Initiative is a capacity building program in environmental economics focusing on research, policy interaction, and academic programs.

028.3844.8249 0834.337732 admin@EfD.vn 028.3847.7948

1A Hoàng Diệu, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TPHCM

Copyright (c) 2018 Environment for Devlopment in Vietnam

Designed by Sweetsoft