Giấy phép xả thải có thể trao đổi: một cách để kiểm soát ô nhiễm nước từ ngành chế biến thủy sản

Ngày 02/01/2024

Làm thế nào để có thể giảm ô nhiễm nguồn nước từ ngành thủy sản Việt Nam? Một góc nhìn từ các nhà nghiên cứu kinh tế môi trường EfD-Vietnam

_
Ngành thủy sản đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm nguồn nước, năng suất thấp và kém hiệu quả. Nhóm nghiên cứu Trương Đăng Thụy, Phạm Khánh Nam và Phạm Như Mẫn đã sử dụng dữ liệu thu thập được từ 116 nhà máy chế biến thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sản xuất thủy sản lớn nhất Việt Nam, liên tục trong 3 năm để ước tính chi phí giảm ô nhiễm nước. Nghiên cứu này tập trung vào ba chỉ số đo lường chất lượng nước thải sau khi xử lý: nhu cầu oxy sinh học (BOD), nhu cầu oxy hóa học (COD) và tổng chất rắn lơ lửng (TSS), những chỉ số cho thấy mức độ các chất hữu cơ và vô cơ làm suy giảm chất lượng nước và gây hại cho môi trường thủy sinh.

Nghiên cứu này đã tính toán chi phí giảm ô nhiễm biên (MAC) - chi phí để giảm thêm một đơn vị phát thải - của các chất gây ô nhiễm nước. Kết quả cho thấy MAC của các chất gây ô nhiễm nước có sự khác nhau đáng kể giữa các công ty, tùy thuộc vào đặc điểm, công nghệ và điều kiện thị trường. Ví dụ, các doanh nghiệp thâm dụng vốn nhiều hơn, ít thâm dụng lao động hơn, có cơ cấu sở hữu phức tạp hơn, không nằm dọc theo bờ biển hoặc ven sông, có xuất khẩu sản phẩm và có tuân thủ các quy định về môi trường chặt chẽ hơn thì sẽ có chi phí giảm ô nhiễm biên của các chất gây ô nhiễm nước ở mức thấp hơn.

Nghiên cứu cũng cho thấy chính sách môi trường hiện tại ở Việt Nam (chủ yếu dựa trên các tiêu chuẩn và mức phí đồng nhất đối với các chất gây ô nhiễm nước) là chưa hiệu quả cũng như công bằng vì nó đặt gánh nặng lớn hơn lên các doanh nghiệp có MAC cao hơn, từ đó hạn chế cho việc giảm thiểu ô nhiễm. Nghiên cứu gợi ý rằng một hệ thống giấy phép xả thải có thể trao đổi, cho phép các công ty mua và bán giấy phép ô nhiễm, có thể mang lại giải pháp công bằng và tiết kiệm chi phí hơn để kiểm soát ô nhiễm nước. Với một hệ thống như vậy, các công ty có MAC cao hơn có thể mua giấy phép từ các công ty có MAC thấp hơn, dẫn đến giảm tổng chi phí giảm ô nhiễm và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Cần thiết phải có một chiến lược toàn diện thúc đẩy việc áp dụng các công cụ dựa trên thị trường hiệu quả và công bằng hơn để kiểm soát ô nhiễm nước.

Nghiên cứu được công bố trên Journal of Cleaner Production https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2023.140290

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Environment for Development, EfD

https://www.efdinitiative.org/publications/heterogeneity-shadow-prices-water-pollutants-study-seafood-processing-industry-vietnam?root=/publications/vietnam

 

Bài viết liên quan

The Environment for Development (EfD) Initiative is a capacity building program in environmental economics focusing on research, policy interaction, and academic programs.

028.3844.8249 0834.337732 admin@EfD.vn 028.3847.7948

1A Hoàng Diệu, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TPHCM

Copyright (c) 2018 Environment for Devlopment in Vietnam

Designed by Sweetsoft