Thái độ đối với rủi ro, thương lượng & ảnh hưởng của các đặc điểm hành vi đến bất bình đẳng giới về mức lương

Ngày 18/08/2022

Ngày nay, bất bình đẳng giới vẫn còn là một vấn đề xã hội phổ biến ở nhiều quốc gia, và một khía cạnh tiêu biểu thể hiện rõ hiện tượng này là sự chênh lệch mức lương giữa nam và nữ. Các nghiên cứu thực nghiệm trước đây đã chỉ ra rằng phụ nữ thường được trả lương thấp hơn nam giới cho cùng một loại công việc.

_

Không những thế, nữ giới còn gặp bất lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực, cơ hội và tham gia quản lý tại nơi làm việc. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và phong trào để hỗ trợ trao quyền cho phụ nữ, họ vẫn tiếp tục đối mặt với một số rào cản nhất định đến từ sự phân biệt theo giới tính.

Sự bất bình đẳng về tiền lương xảy ra do những khác biệt hữu hình trong khả năng lao động giữa hai giới (được xem là phần đã giải thích) và cả những khác biệt vô hình trong hành vi (là phần chưa giải thích được). Chưa có nhiều nghiên cứu trước đây đề cập đến những nguyên nhân chưa giải thích được và ảnh hưởng của chúng đến hiện tượng chênh lệch mức lương. Tuy nhiên, một nghiên cứu của nhóm tác giả Pushkar Maitra, Ananta Neelim và Trần Mỹ Minh Châu vào năm 2021 đã đi sâu vào tìm hiểu vấn đề này. Các kết quả cho thấy phụ nữ thường ngại rủi ro hơn nam giới và ít có khuynh hướng thương lượng để nâng mức lương. Thêm vào đó, thái độ đối với rủi ro và thương lượng đều đóng góp 15.5% vào phần khác biệt chưa giải thích được và 29% vào mức giảm chênh lệch.

Giới tính là yếu tố góp phần tạo ra chênh lệch mức lương

Trong các nghiên cứu hiện có, giới tính được xác định là một yếu tố góp phần vào các bất bình đẳng giữa nam và nữ trên thị trường lao động. Các bằng chứng thực nghiệm cho thấy phụ nữ thường bị tụt hậu so với nam giới về mức lương, cơ hội thăng tiến, khả năng tham gia quản lý và thương lượng tại nơi làm việc. Mặc dù bất bình đẳng giới tồn tại với mức độ khác nhau giữa các quốc gia tuỳ vào hiệu quả các chính sách và phong trào ủng hộ phụ nữ, nhưng khoảng cách giới vẫn tồn tại ở một mức nhất định trong các khía cạnh xã hội, kinh tế và chính trị. Sự khác biệt về tiền lương cho những công việc tương tự là một ví dụ rõ ràng về bất bình đẳng giới.

Các nhà nghiên cứu đã xác định hai nhóm nguyên nhân chính đứng sau chênh lệch mức lương theo giới. Nguyên nhân đầu tiên nằm ở sự khác biệt về khả năng lao động sản xuất giữa hai giới (sức khoẻ, cơ địa), cũng chính là sự khác biệt về hiệu ứng sở hữu và được xem là thành phần giải thích được. Một nguyên nhân khác ít được quan sát hơn là phần không giải thích được, chẳng hạn như các thuộc tính hành vi như nhận thức về rủi ro, tính cạnh tranh, sự tự tin và xu hướng thương lượng. Hạn chế của các nghiên cứu trước đây là chưa thiết lập được mối liên hệ trực tiếp giữa sự khác biệt giới về hành vi và các hiện tượng trên thị trường lao động, đặc biệt là về mức lương. Do đó, nghiên cứu năm 2021 của nhóm ba tác giả đã tập trung xem xét sự khác biệt về thái độ của hai giới đối với đàm phán và mức chấp nhận rủi ro, từ đó giải thích hiện tượng chênh lệch tiền lương theo giới.

Trong nghiên cứu này và các công trình đi trước, khuynh hướng thương lượng là một trong hai yếu tố dẫn đến chênh lệch tiền lương theo giới do đàm phán được chứng minh là có thể cải thiện tiền lương và thăng tiến nghề nghiệp. Các nghiên cứu này cũng quan sát thấy phụ nữ ít sẵn sàng yêu cầu tăng lương hơn nam giới, đặc biệt là trong các nền văn hóa không cởi mở với các cuộc trò chuyện trao đổi. Ngoài khuynh hướng thương lượng, một yếu tố khác giải thích cho chênh lệch mức lương theo giới là thái độ cá nhân đối với rủi ro. Đã có bằng chứng thực nghiệm cho thấy sự khác biệt trong thái độ của hai giới đối với rủi ro có thể dẫn đến những hệ quả khác biệt trong thị trường lao động. Cụ thể, phụ nữ thường ngại rủi ro hơn, do đó thường ít đầu tư để phát triển sự nghiệp và có xu hướng chọn những công việc có mức lương thấp hơn nhưng mang lại thu nhập ổn định.

Chênh lệch mức lương theo giới ở Việt Nam

Là một nước còn tồn tại nhiều định kiến và phân biệt giới, Việt Nam được chọn làm địa điểm nghiên cứu để xem xét ảnh hưởng của các thuộc tính hành vi ở hai giới đến tình trạng chênh lệch mức lương. Mẫu nghiên cứu được giới hạn gồm nam nữ từ 15 đến 60 tuổi đã làm việc ít nhất 6 tháng trước đó trong khu vực phi nông nghiệp. Những người này được chọn từ cùng một khu công nghiệp để đảm bảo mẫu tương đối đồng đều. Quan sát mẫu nghiên cứu, nam giới thường có các đặc điểm kém cạnh tranh hơn nữ giới trên thị trường lao động: Nam giới trong mẫu thường lớn tuổi hơn, nhiều khả năng là người độc thân và có trình độ học vấn thấp hơn (ở bậc tiểu học hoặc trung học cơ sở). Nam giới cũng có nhiều khả năng đã qua đào tạo nghề và đến từ các vùng nông thôn. Ngược lại, nhiều nữ giới trong mẫu đã tốt nghiệp đại học/cao đẳng, di cư từ địa phương khác và thường làm việc trong các công ty nhà nước hoặc công ty đầu tư nước ngoài. Với các đặc điểm cạnh tranh như vậy, nữ giới đáng lẽ có thu nhập cao hơn nam giới, nếu tiền lương thật sự được trả theo những đặc điểm quan sát được ở người lao động. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy thu nhập theo giờ của phụ nữ vẫn thấp hơn nam giới ngay cả khi họ có số giờ làm việc tương tự.

Tính toán ảnh hưởng của nhận thức về rủi ro và thương lượng

Các tác giả đã sử dụng kết hợp các phương pháp: phân tích mô tả dựa trên dữ liệu từ Bộ dữ liệu Điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS), thí nghiệm thực nghiệm và một khảo sát bổ sung. Trong thí nghiệm thực nghiệm, dữ liệu về cách ứng xử đối với rủi ro được thu thập bằng phương pháp của Eckel và Grossman, trong khi dữ liệu về thái độ đối với việc thương lượng được thu thập bằng phương pháp của Exley, Niederle và Vesterlund. Những dữ liệu này đại diện cho các biến độc lập trong nghiên cứu: thái độ của cá nhân đối với rủi ro và thương lượng. Sau giai đoạn thí nghiệm hành vi, người tham gia còn trải qua một khảo sát bổ sung để thu thập dữ liệu về các đặc điểm có thể quan sát được (giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn) và các thông tin công việc (ngành nghề, tiền lương, tiền thưởng, người lao động có làm thêm giờ không, số giờ làm việc), để phản ánh bất kỳ khác biệt nào về mức lương giữa hai giới.

Dữ liệu từ VHLSS năm 2014 được sử dụng để phân tích tổng quan về chênh lệch tiền lương theo giới ở Việt Nam. Đối với phương pháp thực nghiệm và khảo sát, mẫu gồm 320 nam và nữ tuổi từ 15 đến 60 ở cùng khu công nghiệp, có ít nhất 6 tháng kinh nghiệm làm việc. 20 buổi thí nghiệm hành vi đã được thực hiện trong năm 2018, mỗi buổi có 16 người tham gia với số lượng nam nữ như nhau. Hầu hết những người tham gia làm việc trong lĩnh vực điện tử, với 92% trong số họ là công nhân lắp ráp.

Phụ nữ đối mặt với mức lương thấp hơn do sự khác biệt trong hành vi

Kết quả từ phân tích mô tả trên dữ liệu VHLSS cho thấy mức lương của phụ nữ trong các lĩnh vực phi nông nghiệp thấp hơn mức lương của nam giới. Độ chênh lệch đạt 16,3 điểm phần trăm, nghĩa là phụ nữ nhìn chung kiếm được một mức thu nhập 16,3 điểm phần trăm ít hơn so với nam giới. Xét cụ thể các ngành nghề, cách biệt lương giữa nam và nữ gia tăng ở khu vực sản xuất (18,2 điểm phần trăm) và thấp hơn ở khu vực phi sản xuất (13,2 điểm phần trăm). Nội trong ngành sản xuất, chênh lệch lương theo giới là 5 điểm phần trăm trong ngành sản xuất da, nhưng lên tới gần 15 điểm phần trăm trong ngành nội thất. Khi Việt Nam vẫn là một nền kinh tế tập trung vào sản xuất, chênh lệch mức lương theo giới trong khu vực này làm gia tăng đáng kể cách biệt lương trên toàn nền kinh tế theo hướng bất lợi cho nữ giới. Hơn nữa, phân tích dữ liệu VHLSS cũng cho thấy khoảng cách tiền lương theo giới tổng thể là 10,6 điểm phần trăm, trong đó 16,8 điểm phần trăm đến từ các thành phần không rõ nguyên nhân. Các kết quả ban đầu này đã là tiền đề cho bước nghiên cứu tiếp theo là thí nghiệm thực nghiệm và khảo sát bổ sung.

Bằng chứng từ bước thí nghiệm chỉ ra rằng giới tính của một cá nhân có ảnh hưởng đến thái độ của họ trước rủi ro. Trong thí nghiệm, phụ nữ nhiều khả năng chọn các phương án mang lại lợi nhuận chắc chắn, trong khi nam giới có xu hướng chọn các phương án có phần thưởng cao hơn nhưng với rủi ro cũng cao hơn. Giới tính còn có ảnh hưởng đến mức sẵn sàng đàm phán của mỗi cá nhân. Xu hướng đàm phán là 62,8% đối với nam giới và 54,8% đối với nữ giới, có nghĩa là phụ nữ nhìn chung ít sẵn lòng tham gia vào các cuộc thương lượng hơn. Trong phương pháp hồi quy, kết quả chỉ ra rằng nữ giới ít muốn thương lượng hơn 12,7% so với nam giới.

Cuối cùng, kết quả từ khảo sát sau thí nghiệm cho thấy thu nhập theo giờ của nữ thấp hơn 6,7 điểm phần trăm so với thu nhập theo giờ của nam. Sự khác biệt về giới trong nhận thức rủi ro và thương lượng có liên quan đến mức giảm 29% khoảng cách về lương theo giới. Ngoài ra, các đặc điểm hành vi này chiếm 15,5% trong các thành phần không giải thích được của chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ. Do đó, thái độ về rủi ro và thương lượng là một phần ẩn không quan sát được của hiện tượng bất bình đẳng lương theo giới và cần được xem xét trong các chính sách hỗ trợ lao động nữ.

Ý nghĩa và hàm ý của nghiên cứu

Nghiên cứu của nhóm ba tác giả vào năm 2021 đóng góp vào hướng nghiên cứu chung về bất bình đẳng giới và sự khác biệt giữa hai giới trong thị trường lao động. Tập trung vào phần không giải thích được và các biến không thể quan sát được, nghiên cứu bổ sung cho các công trình trước đây, vốn đã đi sâu vào các đặc điểm quan sát được. Cụ thể, các tác giả cho rằng sự khác biệt trong thái độ với rủi ro và khuynh hướng thương lượng giữa hai giới có thể dẫn đến việc nam giới và phụ nữ có thu nhập khác nhau cho cùng một loại công việc. Khi xem xét cả hai thuộc tính hành vi này, các tác giả ghi nhận mức giảm cách biệt lương theo giới là 29% và chúng chiếm 15,5% trong tổng thành phần không giải thích được. Kết quả này đã chứng minh rằng các đặc điểm khó quan sát cũng đóng một vai trò quan trọng và cần được cân nhắc trong việc định hình các chính sách giúp thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thành phần không giải thích được của chênh lệch tiền lương theo giới không nên được xem là thước đo của tình trạng phân biệt đối xử trong thị trường lao động, vì sự khác biệt hành vi theo giới là một thuộc tính hành vi tự nhiên. Về đóng góp cho phương pháp nghiên cứu, các tác giả khuyến nghị nên sử dụng cả khảo sát và thí nghiệm hành vi để xem xét sự khác biệt về giới và hiểu rõ hơn nguyên nhân của chúng. Hơn nữa, vì mẫu của nghiên cứu tương đối đồng nhất về địa điểm và nghề nghiệp của người tham gia, nhóm tác giả đề xuất các nghiên cứu trong tương lai có thể mở rộng sang các bối cảnh khác ở các ngành nghề khác tại Việt Nam và các nước đang phát triển.

Bài tóm tắt này được dựa trên bài nghiên cứu Maitra, P., Neelim, A., & Tran, C. (2021). The role of risk and negotiation in explaining the gender wage gap. Journal of Economic Behavior & Organization, 191, 1–27. doi:10.1016/j.jebo.2021.08.021

Bài viết liên quan

The Environment for Development (EfD) Initiative is a capacity building program in environmental economics focusing on research, policy interaction, and academic programs.

028.3844.8249 0834.337732 admin@EfD.vn 028.3847.7948

1A Hoàng Diệu, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TPHCM

Copyright (c) 2018 Environment for Devlopment in Vietnam

Designed by Sweetsoft