Ngày 02/10/2018
Tóm tắt
Làm thế nào để thúc đẩy nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu? Bên cạnh việc tăng cường nguồn lực, liệu thay đổi các yếu tố tâm lý có giúp tăng các biện pháp thích ứng? Nghiên cứu này phân tích một số yếu tố tâm lý tác động đến thích ứng biến đổi khí hậu trong bối cảnh sản xuất lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Nghiên cứu tìm thấy khi nhận thức về rủi ro biến đổi khí hậu càng lớn, về hiệu quả của các biện pháp thích ứng càng cao thì nông dân sẽ có ý định thích ứng. Họ sẽ không có ý định thích ứng nếu tin vào việc biến đổi khí hậu sẽ không xảy ra, phủ nhận rủi ro có thể có do biến đổi khí hậu hay tin vào số phận. Ý định thích ứng cũng sẽ tăng nếu nông dân cho rằng phải chịu ảnh hưởng lớn từ một số rào cản hay chịu áp lực về thích ứng từ những người xung quanh.
Thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long
Thích ứng với biến đổi khí hậu rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Hiểu được yếu tố nào tác động đến hành vi thích ứng của nông dân có thể giúp chính phủ đề ra giải pháp phù hợp tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của nông dân. Các yếu tố kinh tế xã hội, nhân khẩu và nguồn lực như quy mô hộ, trình độ học vấn, giới tính, tài sản, thu nhập, diện tích đất, khuyến nông, tín dụng, thông tin thời tiết, hỗ trợ từ chính quyền địa phương có thể ảnh hưởng đến việc đầu tư các biện pháp thích ứng của người nông dân. Tuy nhiên, cách người dân nhận thức, đánh giá, nhìn nhận về biến đổi khí hậu cũng có vai trò quan trọng tác động đến hành động của họ, nhưng lại ít được quan tâm tìm hiểu.
Khu vực Đông Nam Á gần đây có thay đổi lớn trong tần số xuất hiện và cường độ của những thiên tai liên quan với biến đổi khí hậu nhưng thích ứng của nông dân vẫn còn hạn chế. Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam và cũng là nơi có thể bị tổn thương nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Với dự báo nước biển dâng khoảng 1m vào năm 2100, hơn 30% Đồng bằng Sông Cửu Long có khả năng bị chìm dưới mực nước biển.
Làm thế nào để hiểu cách nhìn nhận của nông dân với vấn đề biến đổi khí hậu?
Nghiên cứu này phỏng vấn 598 hộ trồng lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long về các khía cạnh nhận thức, đánh giá và ý định thích ứng được nêu trong lý thuyết động cơ bảo vệ. Nghiên cứu hy vọng sẽ cung cấp một góc nhìn sâu sắc hơn về ý định thích ứng của nông dân và những ngụ ý chính sách liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tổng cộng 13 tỉnh của Đồng bằng Sông Cửu Long được chia thành 3 nhóm với mức độ dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu ở mức cao, trung bình và thấp. Đồng Tháp, Sóc Trăng và Long An là 3 tỉnh được chọn ngẫu nhiên trong mỗi nhóm. Mỗi tỉnh 2 huyện và mỗi huyện 2 xã được chọn ngẫu nhiên. Cuối cùng, hộ trồng lúa được chọn ngẫu nhiên từ danh sách hộ của 12 xã. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện vào tháng 12/2011 và tháng 1/2012 với những hộ có kinh nghiệm trồng lúa ít nhất 10 năm và có nghe đến biến đổi khí hậu ở địa bàn này.
Nghiên cứu xem xét bốn yếu tố tâm lý chính trong bối cảnh biến đổi khí hậu: nhận thức rủi ro biến đổi khí hậu, đánh giá các biện pháp thích ứng, thích ứng tồi[1]và ý định thích ứng. Nghiên cứu cũng đưa vào các yếu tố khác như niềm tin vào việc biến đổi khí hậu đang diễn ra, nhận thức về ảnh hưởng của các khuyến khích hay rào cản, thói quen, chuẩn chủ quan.[2]
Nghiên cứu sử dụng mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) ước lượng ảnh hưởng của 8 nhân tố: nhận thức rủi ro biến đổi khí hậu, nhận thức hiệu quả của biện pháp thích ứng, thích ứng tồi, niềm tin vào việc biến đổi khí hậu đang diễn ra, nhận thức về ảnh hưởng của các khuyến khích hay rào cản, thói quen, chuẩn chủ quan, tới ý định thích ứng. Mỗi nhân tố được đo lường bằng nhiều chỉ tiêu cụ thể với thang đo 7 mức độ.
Ý định thích ứng của nông dân bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tâm lý nào?
Sơ đồ mô hình cấu trúc
Mô hình cấu trúc cho thấy nếu nhận thức của nông dân về rủi ro biến đổi khí hậu càng cao thì thích ứng tồi sẽ càng giảm. Nhận thức rủi ro biến đổi khí hậu có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến ý định thích ứng thông qua thích ứng tồi. Nông dân có nhận thức rủi ro biến đổi khí hậu càng cao thì sẽ ít có những suy nghĩ như tin rằng biến đổi khí hậu không xảy ra, phủ nhận rủi ro có thể có do biến đổi khí hậu hay tin vào số phận, và như vậy họ sẽ có ý định thích ứng. Dù những suy nghĩ này chỉ tồn tại ở một số ít nông dân, nó cũng cần được quan tâm đúng mực. Ý định thích ứng càng tăng nếu nhận thức về rủi ro càng lớn. Khi nông dân tin rằng biến đổi khí hậu đang đe dọa sức khỏe, tài chính, sản xuất, quan hệ xã hội và tâm lý, họ sẽ có ý định thích ứng.
Ý định thích ứng cũng cao hơn nếu các biện pháp thích ứng nói chung và khả năng của nông dân nói riêng khi thực hiện chúng được đánh giá là hiệu quả. Thích ứng tồi sẽ làm giảm ý định thích ứng. Nhận thức về ảnh hưởng của các rào cản (như tăng giá điện, nước và nhiên liệu) càng lớn, ý định thích ứng càng cao. Áp lực từ bạn bè, người thân, hàng xóm đối với việc thích ứng của nông dân càng lớn, ý định thích ứng càng cao.
Chính sách nào cho thích ứng biến đổi khí hậu từ góc độ tâm lý nông dân?
Nghiên cứu đã khẳng định vai trò của các yếu tố tâm lý trong ý định thích ứng với biến đổi khí hậu của nông dân. Nhận thức rủi ro biến đổi khí hậu, nhận thức hiệu quả của các biện pháp thích ứng, nhận thức ảnh hưởng của các rào cản, chuẩn chủ quan, thích ứng tồi đều có ảnh hưởng đến ý định thích ứng.
Tin vào việc biến đổi khí hậu sẽ không xảy ra, phủ nhận rủi ro có thể có do biến đổi khí hậu hay tin vào số phận vẫn còn tồn tại như một phần của niềm tin tôn giáo hay văn hóa. Niềm tin đó có thể chịu tác động của thông tin nông dân tiếp nhận. Thông tin có thể định hướng nhận thức về rủi ro biến đổi khí hậu và hiệu quả của các biện pháp thích ứng. Thông tin sai lệch có thể dẫn đến thích ứng tồi và ảnh hưởng ý định thích ứng. Vì vậy, đảm bảo độ chính xác, kịp thời của thông tin, nguồn thông tin là rất quan trọng. Dịch vụ khuyến nông là cần thiết để hỗ trợ kiến thức kỹ thuật về thích ứng cho nông dân. Cũng cần phải quan tâm đến vai trò của những cá nhân có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng vì nông dân chịu áp lực thích ứng từ những người xung quanh.
[1] Thích ứng tồi (maladaptation) dùng để chỉ niềm tin vào việc biến đổi khí hậu sẽ không xảy ra, phủ nhận rủi ro có thể có do biến đổi khí hậu hay tin vào số phận.
[2] Chuẩn chủ quan (subjective norm) dùng để chỉ áp lực từ bạn bè, người thân, hàng xóm đối với việc thích ứng của nông dân.
Bài viết liên quan |